Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thay đổi tư duy để kiến thiết, phục vụ phát triển đất nước

(DS&PL) -

Đó là nhận định của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND tỉnh Đà Nẵng về nội dung “Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ… với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển”.

 Đó là nhận định của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND tỉnh Đà Nẵng về nội dung “Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ… với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển” của Nghị quyết 100/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 được Chinh phủ ban hành ngày 18/11/2016 vừa qua.

Trả lời phỏng vấn, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát biểu: Theo tôi với tinh thần “Chính phủ kiến tạo phát triển” thì phải trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương, trong đó có quyền quyết định về tổ chức chính quyền đô thị, quyết định về biên chế, chế độ chính sách vượt trội…thì mới thu hút người tài, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức cống hiến, phục vụ sự phát triển.

Cùng phóng viên theo dõi chi tiết những quan điểm, kiến nghị và thực hiện triển khai chủ trương “kiến tạo phát triển” tại Đà Nẵng.

PV: Cần hiểu nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP? 

Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng: Thông điệp xây dựng “Chính phủ kiến tạo phát triển” của Thủ tướng và Nghị quyết 100/NQ-CP là làn gió mới, tạo bầu không khí mới trước những khó khăn, thách thức của đất nước, thậm chí là trì trệ, yếu kém trên một số mặt của nhà nước ta hiện nay.

Tôi cho rằng “Chính phủ kiến tạo phát triển” là chúng ta phải thay đổi tư duy và phương thức quản lý nhà nước, từ cái nếp nghĩ, cách làm mang tính cai trị, cai quản sang kiến thiết, phục vụ và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nhà nước, chính quyền phải tạo ra và đảm bảo cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và xã hội sáng tạo, phát triển, làm giàu cho mình và cho đất nước; nhà nước không làm thay đổi vai trò của xã hội, của thị trường vận hành, tương tác, điều chỉnh theo các quan hệ của nó trong khuôn khổ pháp luật.

Một khía cạnh rất cần đề cập trong thông điệp của Thủ tướng về “Chính phủ kiến tạo phát triển” là chính quyền phải trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động. Đây là điều kiện cần để làm nên “Chính phủ kiến tạo phát triển”, điều mà Hội nghị Trung ương  4 đã chỉ rõ. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi được những biểu hiện sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì thông điệp Chính phủ kiến tạo phát triển cũng sẽ lại là những khẩu hiệu hô hào chung chung. Người dân, doanh nghiệp cần chúng ta hành động quyết liệt hơn.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ tặng hoa chúc mừng ông Huỳnh Đức Thơ - tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Ảnh báo Đà Nẵng). 

PV: “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ mát cần được hiểu như thế nào trong điều kiện của địa phương và đồng chí đánh giá như thế nào thực tiễn, về những mặt tồn tại, hạn chế trong thời gian qua ở Đà Nẵng?

Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng: Hiện nay, các văn bản pháp luật về tổ chức nhà nước hầu hết quy định tổ chức bộ máy hành chính do Trung ương quyết định, các địa phương phải thành lập, tổ chức các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định của Chính phủ và các bộ ngành. Vì vậy, trong nhiều trường hợp bộ máy áp dụng chung cả nước, nông thôn cũng như thành thị thì dẫn đến rập khuôn, máy móc, bị động. Có một số chi cục có trong quy định nhưng thực tế chung tôi nhận thấy không cần thiết thành lập hoặc chỉ nên tổ chức cấp phòng chuyên môn là phù hợp, không nên làm cồng kềnh nặng nề thêm bộ máy như Chi cục Văn thư, Lưu trữ, Chi Cục quản lý đất đai, Chi cục Biển và hải đảo, Chi cục quản lý chất lượng xây dựng…Thành phố cũng từng kiến nghị với Trung ương được thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị để phát huy tính chủ động, sáng tạo, khả năng tự lực, tự chủ của mình. Tuy nhiên đây vẫn còng là vướng mắc lớn do các quy định về bộ máy nhà nước chúng ta ràng buộc rất chặt, địa phương muốn thiết kế bộ máy chính quyền phù hợp với đặc điểm quản lý đô thị nhưng luật không cho phép.

Những năm vừa qua, thực hiện quy hoạch của các bộ, ngành và để áp ứng yêu cầu phát triển thành phố thì Đà Nẵng đã chủ động hình thành một số đơn vị sự nghiệp để đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển của địa phương như các tổ chức quản lý dự án, giải tỏa đền bù, khai thác quỹ đất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…Chính cách làm mạnh dạn này đã đáp ứng tốt và góp phần quan trọng để tạo nên sự thành công trong công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển hạn tầng đô thị văn minh, hiện đại, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trẻ, năng động, tâm huyết, hết lòng phục vụ nhân dân của Đà Nẵng hôm nay. Tuy nhiên quan điểm của tôi là phải giảm bớt bộ máy sự nghiệp, tiến đến tách hẳn dịch vụ công ra khỏi cơ quan nhà nước.

PV: Thời gian đến địa phương có xây dựng chương trình hành động riêng thực hiện Nghị quyết 100/NQ-CP để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ được ban hành?

Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng: Theo tôi với tinh thần “Chính phủ kiến tạo phát triển” thì phải trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương, trong đó có quyền quyết định về tổ chức chính quyền đô thị, quyết định về biên chế, chế độ chính sách vượt trội…thì mới thu hút người tài, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức cống hiến, phục vụ sự phát triển.

Về chức năng, nhiệm vụ, bộ máy hành chính phải tập trung vào khâu tham mưu, ban hành và thực thi, giám sát chính sách, pháp luật là chính, không nên trực tiếp quản lý việc cung ứng dịch vụ công, can thiệp vào quan hệ thị trường làm nặng nề bộ máy và cản trở sự phát triển của cơ chế kinh tế thị trường. Phải chuyển giao mạnh mẽ việc cung ứng dịch vụ công cho khu vực phi chính phủ, doanh nghiệp, huy động tối đa sự tham gia của xã hội vào việc cung ứng dịch vụ. Có như vậy thì mới vừa từng bước tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng chi thường xuyên của ngân sách để tăng đầu tư phát triển, vừa tạo ra các giá trị thúc đẩy, khuyến khích phát triển thị trường cạnh tranh tự do, lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên như tôi đã trao đổi, bộ máy hành chính hiện nay do Trung ương quyết định và không trao quyền chủ động cho địa phương nên rất khó để chúng tôi tự quyết định mô hình quản lý hành chính cho địa phương mình. Hi vọng từ Nghị quyết 100/NQ-CP, Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tính toán lại vấn đề này theo hướng chỉ nên quy định khung (trần) về bộ máy, biên chế, còn lại giao địa phương tự tổ chức cơ cấu bộ máy quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế công tác quản lý ở địa phương, đảm bảo nguyên tắc bao quát hết nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn và tự chịu trách nhiệm trước Trung ương. Đồng thời được quyết định hợp đồng thêm số người ngoài trần biên chế Trung ương giao để phục vụ nhu cầu của địa phương, được quyết định chế độ, chính sách, phúc lợi ngoài quy định chung của Trung ương từ nguồn thu, ngân sách tự chủ của địa phương.

Về bộ máy sự nghiệp thì thuận lợi hơn vì thuộc thẩm quyền của địa phương. Vì vậy, trên cơ sở định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết 100/NQ-CP, chúng tôi đã tham mưu Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, theo đó sẽ sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp của thành phố theo hướng cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện. Hiện nay chúng tôi đã giao Sở Nội vụ chủ trì làm việc với các ngành, địa phương để xây dựng Đề án, dự kiến sẽ thông qua vào tháng 6 và triển khai thực hiện xuyên suốt từ nay đến năm 2020.

PV: Trân trọng cám ơn ông./.

Tin nổi bật