Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 25 năm nữa Việt Nam có những công ty lọt top 500 thế giới hay không?

(DS&PL) -

“Đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, Việt Nam có những công ty lọt top 500 thế giới hay không”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến Google, Alibaba… và nói rằng cách đây 25 năm, những công ty này chưa hề xuất hiện. “Đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, Việt Nam có những công ty lọt top 500 thế giới hay không”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi trong Hội nghị với doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” sáng 9/5

Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.

Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch Covid-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng nói đây là “Hội nghị triệu người nghe”, khi được truyền hình trực tiếp để nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có thể theo dõi. Thủ tướng nhắc lại các thời khắc hào hùng vào thời điểm tháng 5 trong quá khứ như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thống nhất đất nước năm 1975, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5… và nhấn mạnh lúc này cũng là thời khắc mang tính bước ngoặt của lịch sử.

Thời khắc lịch sử này mang tính bước ngoặt với thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào tác động hầu hết quốc gia, vượt xa các đại dịch khác trong lịch sử, ảnh hưởng hàng tỷ người. Đã có gần 4 triệu người nhiễm, 300.000 người đã chết và các con số chưa dừng lại.

Hội nghị sáng nay nhằm tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển nên ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng. Định hướng về kết quả Hội nghị, Thủ tướng cho rằng sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là nghị quyết hoặc chương trình hành động. Theo đó, ngoài các gói hỗ trợ đã ban hành thì phải đưa ra thêm được vấn đề gì để hỗ trợ doanh nghiệp, như: Thị trường mới là gì, lao động, tín dụng mới là gì, thuế phí thế nào?…

Thủ tướng nhận định, khủng hoảng y tế tác động đến mọi mặt kinh tế, từ cung - cầu, sản xuất - tiêu dùng, nội thương, ngoại thương, hàng không - du lịch, sản xuất thâm dụng công nghệ đến thâm dụng lao động, dầu mỏ đến ôtô, nước phát triển - nước đang phát triển, doanh nghiệp quy mô nhỏ - quy mô lớn… “Rồi loài người rồi sẽ chiến thắng, dù có mất mát đến đâu. Darwin đã nói không phải loại mạnh nhất sẽ sống sót mà loại thích ứng tốt nhất sẽ tồn tại”, Thủ tướng nói.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến Google, Aphabet, Alibaba… và nói rằng cách đây 25 năm, những công ty này chưa hề xuất hiện. “Đến năm 2045, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, Việt Nam có những công ty lọt top 500 thế giới hay không”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN. Việt Nam đang theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế, đi kèm cải cách và cơ cấu, để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên khi dịch được kiểm soát tốt. Thủ tướng thông tin đến nay Việt Nam cơ bản đẩy lùi Covid-19 là một điều quan trọng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đầu tăng trưởng GDP năm nay trên 5%, không thấp như IMF dự báo chỉ 2,7%. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị 5 mũi giáp công để tái khởi động trong “thời điểm vàng” hiện tại đó là: Tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đầu tư tư nhân; Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Tăng cường xuất khẩu. Thứ tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thứ năm là khuyến khích tăng cường nhu cầu nội địa.


Tin nổi bật