Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng bấm nút khởi công cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh ngày đầu năm mới

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức được khởi công ngay ngày đầu tiên của năm 2024.

Báo Người lao động đưa tin, sáng nay (1/1/2024), tại xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành; lãnh đạo 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn cùng nhà đầu tư dự án, bấm nút khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chia làm 2 giai đoạn thực hiện với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Ảnh: Người lao động

UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT theo quyết định số 1629/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo cả, cho biết với bề dày 38 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng thương hiệu uy tín bằng những công trình và dự án trải dài khắp ba miền đất nước.

"Hôm nay, tại đây, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục ghi dấu ấn cho ngành giao thông khi cùng với tỉnh Cao Bằng và các doanh nghiệp là các nhà đầu tư: HHV, ICV, 568 đã vượt qua một chặng đường khó khăn hơn 6 năm để đi đến khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh".

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có ý nghĩa rất đặc biệt khi triển khai ngay trên mảnh đất biên viễn, phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng).

Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc.

Chia sẻ trên báo VOV, ông Phan Văn Tùng, người dân xóm Cốc Cáng, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng phấn khởi: "Nhà nước mình đầu tư đường cao tốc khi khánh thành thì bà con, nhân dân đi lại thuận tiện. Tuyến đường qua cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh sẽ qua trước cửa nhà tôi, đi qua ruộng đất của thôn tôi luôn. Bà con dân chúng ủng hộ rất nhiệt tình, Chính phủ đã đầu tư rất lớn để bà con có đường đi lại, nhất là thông thương giữa hai bên Trung Quốc và Việt Nam mình với nhau, hàng hóa đi lại sẽ tạo điều kiện làm ăn cho bà con".

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có rất nhiều hầm xuyên núi, cầu bắc qua sông. 

Ông Hoàng Văn Thùy, một cán bộ hưu trí tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng nói: "Cao tốc này là một niềm mong ước của bà con nhân dân tỉnh Cao Bằng. Chúng ta sẽ rút ngắn được tuyến đường từ Hà Nội lên Cao Bằng. Về buôn bán hàng hóa hiện nay các loại xe vận tải để từ cảng Lạch Huyện, Hải Phòng mà lên đến Cao Bằng thì mất 6-7 tiếng. Nếu mà có đường cao tốc chỉ khoảng 3- 4 tiếng là đã đến địa điểm ở ngay sát biên giới rồi và còn có thể thông quan sang bên các địa phương Trung Quốc như là Bách Sách, Trùng Khánh rồi đi sang bên Châu Âu. Hàng xuất nhập của mình, nhất là nông sản sẽ nhanh chóng hơn và đảm bảo chất lượng hơn. Ngoài ra, bà con cũng mong sớm hoàn thành, bây giờ từ đây đi Hà Nội khoảng 6 tiếng, nếu có cao tốc thì chỉ khoảng hai tiếng rưỡi thôi".

Mong muốn của người dân cũng là kỳ vọng của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Cao Bằng, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics. Hiện hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam đến Cao Bằng chủ yếu qua Lạng Sơn theo Quốc lộ 4 hoặc từ Thái Nguyên, Bắc Kạn theo quốc lộ 3. Tuy vậy, cả hai tuyến đều khá hẹp, nhiều đèo dốc nguy hiểm dẫn tới thời gian và chi phí vận tải tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dù có tới hơn 330km đường biên, nhiều cặp cửa khẩu, lối mở nhưng kinh tế biên mậu Cao Bằng chưa thể phát triển.

Anh Hoàng Trung Du, Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại Cao Bằng cho biết, đơn vị cũng đã có sự chuẩn bị tích cực nhất.

"Công ty đã chuẩn bị sửa chữa lại hệ thống cơ sở hạ tầng bến bãi, đáp ứng được nhu cầu tập kết hàng hóa của cửa khẩu và đảm bảo lưu thông hàng hóa. Hy vọng là tỉnh và các cơ quan ban, ngành tiếp tục tạo được nhiều chính sách để thu hút nhiều hàng hóa hơn đến với Cao Bằng, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như các doanh nghiệp phát triển hơn", anh Hoàng Trung Du nói.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật