Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu nhập bình quân của người Việt năm 2024 tăng hơn 9%, đạt 5,4 triệu đồng/1 tháng

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023.

Theo thông tin trên trang Thông tin điện tử Cục Thống kê, năm 2024, thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện và tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn.

Mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định nhưng kinh tế xã hội Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống Nhân dân được cải thiện hơn so với năm trước.

Năm 2024, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 5,4 triệu đồng, tăng 9,1% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng thu nhập của năm 2023 so với năm 2022 (6,2%).

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2024 ở khu vực thành thị đạt 6,9 triệu đồng (tăng 10,1% so với năm 2023), gấp hơn 1,5 lần khu vực nông thôn đạt 4,5 triệu đồng, tăng 8,0% so với năm 2023.

Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn giai đoạn 2014-2024 (đơn vị: Nghìn đồng). Ảnh: Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê

Trong năm 2024, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng cao nhất, ở mức gần 7,1 triệu đồng. Vùng có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc, chỉ gần 3,8 triệu đồng.

Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất – nhóm 5) bình quân 1 người 1 tháng đạt 11,8 triệu đồng, cao gấp 7,4 lần so với nhóm hộ có thu nhập thấp nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập thấp nhất – nhóm 1) với thu nhập bình quân chỉ đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, tỷ trọng thu từ tiền công, tiền lương trong thu nhập chiếm 55,7%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023 (55,2%). Tỷ trọng thu từ hoạt động nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ở mức 10,5%. Tuy nhiên, tỷ trọng thu từ hoạt động phi nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 22,8%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2023 (24,4%).

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, kết quả khảo sát cho thấy tổng chi tiêu của người dân năm 2024 tăng trở lại, chủ yếu ở khu vực thành thị. Tổng chi tiêu bình quân đầu người/tháng đạt gần 3 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022, trong đó khu vực thành thị gần 3,8 triệu đồng, tăng 15,4%.

Kết quả khảo sát cho thấy tổng chi tiêu của người dân năm 2024 tăng trở lại, chủ yếu ở khu vực thành thị. Ảnh minh họa: Báo Tin Tức

Phân theo khoản chi, chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng là 2,8 triệu đồng; chiếm 94,5% tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu cho ăn uống bình quân đầu người/tháng gần 1,4 triệu đồng (tăng 7,3% so với năm 2022). Chi tiêu ngoài ăn uống hơn 1,4 triệu đồng (tăng 3,8% so với năm 2022).

Năm 2024, kết quả khảo sát về mức tiêu dùng một số mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu cho thấy tiêu thụ gạo tiếp tục giảm. Trong năm ngoái, lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người/tháng là 6,5 kg, giảm 0,4 kg so với năm 2022.

Hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất tiêu thụ 7,3 kg gạo/người/tháng; cao hơn so với nhóm gia đình có thu nhập cao nhất tiêu thụ 5,9 kg gạo/người/tháng.

Ngược lại, đối với thịt các loại, nhóm hộ gia đình có thu nhập cao nhất tiêu thụ 3,2 kg/người/tháng, trong khi nhóm hộ có thu nhập thấp nhất tiêu thụ 2 kg/người/tháng.

Khối lượng tiêu dùng gạo, thịt các loại và rau bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng giai đoạn 2014 – 2024 (đơn vị: Kg). Ảnh: Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê

Riêng bia rượu, lượng tiêu thụ bình quân đầu người/tháng năm 2024 còn 0,9 lít, giảm so với mức 1,2 lít của năm 2022. Đồ uống khác tiêu thụ cũng giảm còn 1,9 lít so với mức 2,1 lít của năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2024, đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình ngày càng cải thiện. Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân một người đi học/ năm đạt hơn 9,5 triệu đồng, tăng 36,3% so với năm 2022. Trong đó, các khoản chi học phí, trái tuyến chiếm 41,1%; học thêm chiếm 21,4%.

Xét về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam thiếu hụt nhiều nhất ở các chỉ số: việc làm (40,3%), trình độ giáo dục người lớn (30,7%) và dinh dưỡng (21,4%).

Theo Cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2024 là 2,3%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023. Hệ số bất bình đẳng theo thu nhập của Việt Nam năm 2024 là 0,372, không thay đổi nhiều so với năm ngoái và vẫn giữ ở mức bất bình đẳng trung bình.

Những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao lại là những vùng có mức độ bất bình đẳng cao, do đó cần tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội,chương trình tạo việc làm và nâng cao thu nhập tại những vùng này.

Chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm của 1 người đi học giai đoạn 2014 – 2024 (đơn vị: Nghìn đồng). Ảnh: Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê

Cơ cấu các khoản chi giáo dục, đào tạo 1 năm của 1 người đi học năm 2024 (đơn vị: %). Ảnh: Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê

Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 (viết gọn là KSMS 2024) được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng kinh tế – xã hội, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế – xã hội.

Các thông tin được thu thập trong KSMS 2024 gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, công nghệ thông tin và truyền thông và một số đặc điểm của xã.

Tin nổi bật