Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu hồi nhà công vụ: Cựu Thứ trưởng nói "đã có ai đòi nhà đâu"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Được phân căn hộ 307 khu nhà công vụ Hoàng Cầu, ông Triệu Văn Bé (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho hay, đã có ai đòi nhà đâu, cũng chưa có quyết định thu hồi lại nhà thì sao nói phải cưỡng chế.

(ĐSPL) - Được phân căn hộ 307 khu nhà công vụ Hoàng Cầu, ông Triệu Văn Bé (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho hay, đã có ai đòi nhà đâu, cũng chưa có quyết định thu hồi lại nhà thì sao nói phải cưỡng chế.

Câu chuyện nhà công vụ đã gióng lên những hồi chuông khiến không ít người giật mình nhận ra hàng loạt các cựu quan chức về hưu vẫn quyết "bám trụ" hoặc không chịu trả nhà công vụ. Trong khi các cấp quản lý khá loay hoay với lý do phần lỗi... "cơ chế" thì những ngôi nhà công vụ vẫn phải “chịu trận” với những chủ nhân... bất đắc dĩ. Liệu đó có phải "tảng băng chìm" khó phá của thực trạng “tham nhũng nhà công vụ”?

Quy định pháp lý không phải để... làm cảnh

Xin được bắt đầu bài viết bằng câu chuyện khá hi hữu đang xảy ra giữa Hà Nội liên quan đến cựu lãnh đạo TP.Hà Nội Hoàng Văn Nghiên. Báo giới đã phải tốn không ít giấy mực xoay quanh căn biệt thự có địa chỉ 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của ông Nghiên đã mất đến 8 năm vẫn chưa thu hồi được. Khó thu hồi đến mức đại diện Sở Xây dựng Hà Nội chỉ còn biết chờ đợi ông Nghiên đồng ý chuyển đi nơi mới và chờ đợi ý kiến của Bộ Xây dựng. Sự vụ liên quan đến biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được báo chí phát hiện cuối năm 2006, khi ông Nghiên làm đơn xin mua lại biệt thự này theo Nghị định 61. Sau đó, Hà Nội ra thông báo không bán, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Căn nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa 8 năm vẫn chưa thể thu hồi.

Căn biệt thự của cựu lãnh đạo TP. Hà Nội chỉ là một trong rất nhiều căn nhà công vụ đang bị "thả nổi" thiếu kiểm soát hiện nay. Theo dữ liệu mới nhất mà PV bản báo thu thập được từ Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện còn nhiều cán bộ đã nghỉ hưu nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ. Điển hình là khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (số 61, Trần Quang Diệu, Đống Đa, Hà Nội), với 80 căn hộ, Cục đã kiểm tra thực tế có 20 cán bộ đang công tác sử dụng 21 căn hộ (1 cán bộ sử dụng 2 căn); 30 cán bộ đã nghỉ hưu sử dụng 30 căn hộ. Số 29 căn hộ còn lại cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã mất cho người nhà ở, người thân ở nhờ hoặc khóa cửa.

Vấn đề càng đặc biệt được dư luận quan tâm hơn khi được các ĐBQH làm "nóng" nghị trường với sự ví von như một kiểu "tham nhũng" nhà công vụ. Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị) không ngần ngại đưa ra con số, tính đến tháng 9/2014, tổng quỹ nhà ở công vụ trên cả nước là hơn 1,6 triệu m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn chung cư... "Song một bộ phận cán bộ sau khi thôi chức vụ quản lý đã tự cho mình quyền sử dụng nhà công vụ vĩnh viễn, biến biệt thự công thành tư, thành chung cư gia đình cho con cháu ở, hoặc cho thuê để hàng tháng hưởng khoản tiền trời cho", Đại biểu Lê Như Tiến dẫn chứng.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, một cán bộ Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay: Các quy định về nhà ở công vụ đã nêu rất rõ ràng trong Nghị định 34 của Chính phủ năm 2013. Cụ thể, nhà ở công vụ chỉ được dùng để bố trí cho các đối tượng có đủ điều kiện thuê để ở trong thời gian đảm nhận công tác. Khi người thuê hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi ở khác hoặc nghỉ công tác phải trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những sai phạm trong sử dụng nhà công vụ là do ý thức của công chức được thuê nhà. Thực tế có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định này, đơn cử như những trường hợp đã nghỉ hưu, không còn đảm nhận chức vụ đó nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ. Còn nói Nhà nước giao cho thuê nhà và không quy định thời hạn trả cũng là hiểu chưa đúng.

"Việc quản lý nhà công vụ đã được Chính phủ giao cho bộ Xây dựng quản lý. Do vậy, việc quản lý cần chặt chẽ hơn để đảm bảo thực hiện đúng và công bằng với các đối tượng khác trong xã hội. Nếu việc quản lý gặp khó khăn, như buộc phải cưỡng chế để thu hồi nhà công vụ thì Bộ Xây dựng nên đề xuất giải pháp xử lý lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn", vị này nói với điều kiện giấu danh tính.

Chưa thu thì biết... trả ai?

Trong khi các cơ quan quản lý liên tục than phiền gặp khó khăn trong việc thu hồi nhà công vụ vì sự "chây ỳ" của những người đang sử dụng, thì thực tế những thông tin cánh PV bản báo thu thập được lại cho thấy những thông tin trái chiều.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức (được phân căn hộ 605 khu nhà công vụ Hoàng Cầu) cho biết, ông nhận quyết định phân nhà không ghi thời hạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan Nhà nước lên tiếng đòi nhà (?!). Thậm chí theo ông Đức, gần đây cơ quan quản lý vẫn thu tiền thuê nhà của ông, vậy tức là vẫn công nhận quyền được thuê nhà. ông Đức khẳng định, cứ có quyết định thu hồi lại nhà, đòi lại nhà thì ông sẵn sàng trả.

Cũng được phân căn hộ 307 khu nhà công vụ Hoàng Cầu, ông Triệu Văn Bé (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho hay, đã có ai đòi nhà đâu, cũng chưa có quyết định thu hồi lại nhà thì sao nói phải cưỡng chế. Cũng theo ông Bé, ngay cả khi Bộ Xây dựng đến làm việc họ cũng nói do chưa xử lý xong mọi việc nên vẫn cho thuê tạm. "Tôi khẳng định nếu Bộ Xây dựng có quyết định thu hồi lại nhà, tôi sẵn sàng trả", ông Bé khẳng định.

Trong khi đó, trong hàng loạt lý do đưa ra, theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính được xác định là do công tác quản lý nhà ở công vụ trải qua nhiều thời kỳ và chưa rõ ràng. Hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn giữa nhà ở công vụ với nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước đã phân phối cho cán bộ, công nhân viên chức và đã bán, chuyển sở hữu cho người đang thuê theo Nghị định 61.

Có người mua xong nhà thì bán lại thu lợi lớn. Kể từ năm 2005, khi Luật Nhà ở quy định nhà ở công vụ chỉ để cho thuê, khi người thuê hết tiêu chuẩn thì phải trả lại Nhà nước, nhưng những người được bố trí ở nhà công vụ vẫn nghĩ đó là nhà ở phân cho mình như nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trước đây, sau một thời gian sẽ được bán. Việc quản lý và sử dụng nhà công vụ được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau quản lý. Chính đại diện bộ này cũng thừa nhận, việc thu hồi nhà công vụ chưa quyết liệt, còn nể nang.

Chẳng thế mà, trong đợt tiếp xúc cử tri ở TP.HCM ngày 3/12/2014, khi được cử tri đặt câu hỏi về quản lý nhà công vụ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu thẳng thắn, các cơ quan quản lý cán bộ đáng trách vì đã không thu hồi nhà công vụ ngay khi biết người đó quyết định nghỉ hưu hay không làm việc ở địa phương đó nữa. Như vậy là quản lý quá lỏng lẻo. Về việc người sử dụng nhà ở công vụ cho rằng vẫn đóng tiền thuê bình thường và cơ quan cho thuê nhà vẫn thu tiền bình thường, Chủ tịch nước nói: "Mình trách đồng chí nghỉ hưu đó không tự giác trả cũng có cơ sở để trách, nhưng người đáng trách hơn là các cơ quan công quyền. Tại sao không đòi bằng giấy, tại sao vẫn tiếp tục thu tiền, tất nhiên cơ quan quản lý nhà và cơ quan thu tiền là hai cơ quan khác nhauở. Chuyện này đơn giản thôi, các cơ quan quản lý nhà công vụ này với cơ quan điều hành cán bộ đều phải ăn khớp với nhau.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh: Cần thiết, sẽ sớm tổ chức thanh tra nhà công vụ

Tại phiên họp HĐND TP.Hà Nội ngày 4/12, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: "Thành phố đã rất thận trọng rà soát toàn bộ văn bản, nên việc ban hành quyết định phân loại các biệt thự là phù hợp với thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải thành phố loại 312 biệt thự khỏi diện quản lý, mà là phân loại để bảo tồn, kể cả số biệt thự này không nằm trong danh sách thì thành phố vẫn phải quản lý. Trong tuần này thành phố sẽ họp về vấn đề này, cần thiết sẽ thanh tra. Với từng biệt thự, thành phố có thể mời tư vấn, cơ quan chức năng xác định giá trị. Vấn đề do lịch sử để lại, nên việc quản lý chưa chặt chẽ. UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thanh tra công tác quản lý biệt thự, xử lý cá nhân vi phạm theo đúng quy định. Chúng tôi không bao che, quan điểm là quản lý cho tốt trong vấn đề này".

Tin nổi bật