Ông Tiến nói: ”Người ở nhà công vụ đến thời hạn phải trả mà không thực hiện thì thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo về nơi cư trú hiện tại của họ, yêu cầu phải trả lại tài sản cho Nhà nước”.
Ông Lê Như Tiến. |
Chiếm dụng nhà công còn nhiều
Tại hội nghị ĐBQH chuyên trách vừa qua, vì sao ông đưa ra đề nghị Chính phủ phải có báo cáo về quản lý biệt thự công hiện nay?
Đây là vấn đề được dư luận quan tâm từ nhiều năm nay. Tôi được biết, tại Hà Nội và TP HCM có hàng nghìn biệt thự công tọa lạc trong những vị trí đắc địa đang bị một số cá nhân, hộ gia đình chiếm dụng từ nhiều năm nay. Có người còn làm nhà cho con, cháu, phá nát cảnh quan rồi làm biến dạng, méo mó kiến trúc với âm mưu chiếm đoạt. Những biệt thự công này nếu được trả lại thì nó sẽ là khối tài sản rất lớn để Nhà nước sử dụng vào những việc công như cho các sứ quán, tổ chức nước ngoài thuê hoặc làm trụ sở các cơ quan và nhiều việc khác.
Chuyện về nhà công vụ thì sao, thưa ông?
Nhà công vụ thì gần như là các bộ, ngành, các cơ quan đầu não của Trung ương đều có. Nó được cấp cho những cán bộ thuộc diện chuyển đổi, luân chuyển công tác…, nhưng có những người được cấp nhà công vụ từ đầu nhiệm kỳ công tác cho đến ngày về hưu, thời gian sử dụng nhà công vụ lâu ngày nên khi về hưu cố tình không chịu trả lại nhà. Thậm chí họ còn biến nhà công vụ - chế độ cá nhân - trở thành nhà ở cho con cháu. Có những người cho người khác thuê lại. Có trường hợp không ở nhưng khóa cửa để đấy nhiều năm trời.
"Biệt thự công hay nhà công vụ, suy cho cùng là tài sản của Nhà nước. Anh chỉ được sử dụng khi anh làm các công việc có tiêu chuẩn. Khi xong rồi, anh phải trả lại. Tôi thấy cần phải có tiếng nói, xử lý nghiêm khắc việc này, yêu cầu những người đó trả lại ngay và phải có chế tài đối với những người cố tình dây dưa, chây ỳ không trả lại tài sản cho Nhà nước". |
Biệt thự công hay nhà công vụ, suy cho cùng là tài sản của Nhà nước. Anh chỉ được sử dụng khi anh làm các công việc có tiêu chuẩn. Khi xong rồi, anh phải trả lại. Tôi thấy cần phải có tiếng nói, xử lý nghiêm khắc việc này, yêu cầu những người đó trả lại ngay và phải có chế tài đối với những người cố tình dây dưa, chây ỳ không trả lại tài sản cho Nhà nước.
Phải chăng luật của chúng ta thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hay do cơ quan quản lý thiếu quyết liệt, còn nể nang, né tránh?
Có cả hai nguyên nhân này. Nếu người ta không trả thì chế tài thế nào, dùng những biện pháp cưỡng chế ra sao thì lại không có. Thứ hai, khâu thực hiện là khâu cơ bản nhất nhưng lại không quyết liệt, nể nang nhau. Và cũng chính xuất phát từ việc là tài sản chung, cha chung không ai khóc, không phải việc của mình nên mới thế. Cấp nọ đổ thừa cho cấp kia. Nếu như đó là tài sản của cá nhân cho thuê thì kiểu gì họ cũng lấy lại được.
Công khai tên
Liên quan đến vấn đề nhà công vụ, khi cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 10/9, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, phải nói rõ ngay trong luật đối tượng được ở nhà công vụ, chế tài như thế nào nếu không trả lại và ai là người cưỡng chế?
Tôi ủng hộ ý kiến của Chủ tịch QH. Cần quy định rõ đối tượng được sử dụng nhà công vụ, chế độ tiêu chuẩn được sử dụng (bao nhiêu mét), ghi rõ hợp đồng về thời hạn sử dụng. Chấm dứt hợp đồng, nếu anh có nhu cầu thì phải gia hạn, chính vì chúng ta đang hợp đồng vô thời hạn nên nhiều người không chịu trả.
Tôi đề nghị phải giao cho một đầu mối là Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý về nhà ở đứng ra thực hiện việc này và thực hiện nghiêm. Gần đến hạn phải trả nhà sẽ gửi thông báo cho họ. Ai không trả thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo về nơi họ cư trú hiện nay, yêu cầu phải trả lại. Phải xác định nhà công vụ cũng giống như những nhà khác là Nhà nước làm ra, nhưng không phải cho không mà phải thuê. Tôi đề nghị không phải cấp không nhà công vụ mà phải cho thuê vì chúng ta đã xóa bỏ chế độ bao cấp về nhà ở rồi.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) có đề xuất, trừ những trường hợp cán bộ cao cấp cần bảo vệ an ninh đặc biệt được cấp nhà công vụ, còn lại chế độ nhà công vụ được đưa cả vào tiền lương để những đối tượng khác tự đi thuê nhà. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Đây cũng là một giải pháp. Nhưng nếu đã đưa vào tiền lương thì tất cả đều phải đưa vào tiền lương để tạo sự công bằng, chứ không thể người này thì đưa vào tiền lương để đi thuê nhà, người khác lại phải tự tạo lấy nhà ở. Rất nhiều người làm nhà rồi nhưng cho người khác thuê, sau đó họ ở nhà công vụ, chiếm dụng nhà công vụ vì nhà công vụ không lấy tiền nên họ tha hồ ở.
Nói những điều này, ông có ngại “đụng chạm” đến những người đã và đang ở nhà công vụ thôi công tác mà chưa trả lại nhà?
Tôi không ngại gì cả vì đã là quy định thì phải làm đúng. Còn cứ né tránh thì nạn chiếm dụng nhà công vụ vẫn còn. Phải nhìn thẳng vào sự thật: Nhà nước cấp nhà công vụ tạo điều kiện để anh làm việc, nghỉ hưu, hoặc không làm chức vụ đó nữa thì anh phải trả lại tiêu chuẩn ở nhà công. Và cũng giống như những công dân khác, anh phải tự tích lũy để anh mua, thuê nhà, làm nhà. Đó là chưa kể, những người được sử dụng nhà công vụ là những người có chức có quyền, đó là những người có thu nhập khá so với mặt bằng chung của xã hội, vậy thì đó không phải là người nghèo, người được hưởng chế độ chính sách. Vậy thì cớ sao mình đi cấp nhà cho người giàu trong khi bao nhiêu người nghèo không có nhà ở. Như thế là bất bình đẳng công dân.
Cảm ơn ông!