Thoát cảnh sáng đêm đưa con đi học thêm
Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGD (gọi tắt là Thông tư 29) chính thức có hiệu lực. Đây là thông tư quy định nhiều điểm mới về việc dạy thêm, học thêm, thu hút sự quan tâm của hàng triệu giáo viên và phụ huynh trên cả nước. Có những phụ huynh vui mừng khi thoát khỏi cảnh đưa đón con học thêm, có phụ huynh thì lo lắng vì sợ con không theo kịp kiến thức tại lớp.
Những ngày qua, sau khi thông tin thông tư 29 được ban hành, những lớp học thêm của cô con gái nhỏ đang học lớp 6 và cậu con trai hiện đang học lớp 3 của chị Minh Hà (Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) đã được cắt giảm.
Thời gian học của 2 chị em được giảm tải khá lớn, cô con gái có thời gian tập trung cho bộ môn thiết kế yêu thích. Cậu con trai thì tranh thủ đọc vài cuốn truyện sau khi đã hoàn thành khối lượng bài tập trên trường.
Chị Hà chia sẻ, kể từ khi thông tư 29 được ban hành, nhà trường thông báo cắt học phụ đạo ở trường. Những lớp học thêm ở ngoài cũng được thông báo nghỉ, 2 người con của chị Hà được về sớm hơn mọi khi 1,5h. “May mắn hơn nhiều phụ huynh khác, công việc của tôi linh động được thời gian, nên việc đón con sớm hay muộn không phải vấn đề quá lớn. Thường đứa bé tôi sẽ đón lúc 16h30 hoặc muộn hơn một chút. Đứa lớn nếu tan học 15h30 thì có thể tự đi bộ về nhà, đoạn đường từ trường về nhà khoảng 800m thôi.
Hoặc hôm nào tôi quá bận, tôi sẽ nhờ người thân hoặc một xe ôm thân cận đón hộ. May mắn, tôi luôn được một người họ hàng trợ giúp và chưa lần nào họ từ chối. Họ sẽ đón con giúp tôi, đưa về chỗ làm của họ, cho ăn uống đầy đủ và đợi mẹ về đón. Nên tôi thấy việc cắt học phụ đạo là rất hợp lý”, chị Hà chia sẻ.
Thêm một lý do khác, bà mẹ 2 con cho biết, việc các con không học phụ đạo sẽ giúp chị tiết kiệm được khoản tiền rất lớn. Số tiền này, có thể đầu tư phát triển ăn uống, thể dục lành mạnh, giúp các con phát triển từ sức khỏe tinh thần đến giáo dục thể chất.
Nhiều phụ huynh ủng hộ quy định mới về học thêm, dạy thêm
“Không chỉ gia đình chị mà rất nhiều phụ huynh khác cũng sẽ đồng tình với thông tư này. Bởi chi phí cho một đứa trẻ, đi học ở trường, học thêm phụ đạo vô cùng tốn kém. Đối với gia đình có điều kiện thì đó là chuyện bình thường. Nhưng với những gia đình không có điều kiện, điều đó sẽ làm kiệt quệ tài chính của phụ huynh.
Đối với học sinh, đã học cả ngày ở trường, nếu tiếp tục học thêm thì đến bữa cơm cũng không được ăn đầy đủ. Tan học ở lớp, ăn vội vàng món ăn ở hè phố để kịp đến lớp học thêm, giờ học có khi kéo dài đến 22h đêm mới được trở về. Với thời gian học như vậy đối với một đứa trẻ cấp 2, còn vất vả hơn nhân viên văn phòng”, chị Hà cho hay.
Sợ con không theo kịp kiến thức
Khác với chị Hà, chị Hạnh (33 tuổi, quê Hải Dương) đang lo lắng khi cậu con trai 11 tuổi, và cô con gái năm nay mới chỉ lên lớp 1 không được đi học thêm nữa.
Chị Ly chia sẻ, việc không đi học thêm có thể sẽ khiến các con không theo kịp kiến thức, hơn nữa khi học mỗi kiến thức trên lớp, chị sợ các con sẽ không thể tiếp thu kịp. Bố mẹ lại bận, không thể sát sao để dạy con suốt được.
“Đặc biệt, việc các con về sớm gia đình không bố trí người đón được. Cháu lớn có thể tự đi về nhà, nhưng cháu bé bắt buộc phải có người đón, nhờ hàng xóm ngày 1, ngày 2 có thể được, nhưng lâu dài thì cũng là bài toán vô cùng khó khăn với gia đình”, chị Hạnh chia sẻ.
Việc kèm con học là áp lực ở một số phụ huynh
Chia sẻ về thông tư trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay, từ năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019.
Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GDĐT xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm.
Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
“Quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Thứ trưởng Thưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng
Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...