Báo Người Lao Động dẫn lời, BS CKI Trịnh Như Lai, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu 3 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol.
Theo đó, 3 bệnh nhân nhập viện gồm: N.X.H (16 tuổi), N.T.T.A (37 tuổi) T.K.H(41 tuổi). Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nôn ói, khó thở… do ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
"Thời điểm nhập viện, các bệnh nhân được xét nghiệm ghi nhận nồng độ rượu rất thấp nhưng vẫn xuất hiện rối loạn chuyển hóa. Do đó, nhận định bệnh nhân nghi ngộ độc methanol. Cả ba bệnh nhân đều được bù dịch do nôn ói nhiều, ổn định hô hấp. Sau đó, lọc máu để thải methanol ra ngoài. Các bệnh nhân tiên lượng nặng nhưng chưa đến mức tiên lượng tử vong. Nếu sau lọc máu đáp ứng tốt bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, thời gian lọc máu phụ thuộc vào đáp ứng của người bệnh" – BS Lai cho hay.
Hiện trường nhóm 4 người uống rượu. Ảnh: Người Lao Động
Trước đó cùng ngày, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an huyện Bù Đốp tổ chức khám nghiệm, làm rõ vụ nghi ngộ độc rượu nghiêm trọng khiến 1 người tử vong là ông N.X.H (40 tuổi, ngụ xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp). 3 người còn lại gồm N.X.H (16 tuổi, con trai ông H.), N.T.T.A (37 tuổi, vợ ông H.) và T.K.H (41 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu.
Theo Tuổi Trẻ, khoảng 18h ngày 12/7, bốn người nêu trên cùng một số người khác tổ chức ăn nhậu tại một đại lý phân phối sơn ở thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp.
Sau khi kết thúc bữa nhậu, cả nhóm uống hết 6 chai rượu (mỗi chai khoảng 500ml). Sau đó, ông H. có biểu hiện mệt, đau đầu nên nằm nghỉ tại tiệm sơn.
Đến khoảng 21h cùng ngày, ông H. hoa mắt, nôn ói nhiều. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đến rạng sáng 14/7, ông H. tử vong .
Vợ con anh H. và anh T.K.H cũng có triệu chứng tương tự của việc ngộ độc (mệt mỏi, nôn ói, đau đầu) được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu.
Vì sao rượu methanol có thể gây ngộ độc?
Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.
Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.
Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.
Thùy Dung (T/h)