Đóng

Thói quen ngủ sai cách có thể đẩy bạn đến bệnh tim mạch

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Ngủ trong môi trường có ánh sáng hoặc sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

VietNamNet dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Flinders (Australia) cho thấy, tiếp xúc với ánh sáng càng mạnh vào ban đêm thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch càng cao.

Phân tích được thực hiện trên 88.905 người chưa từng được chẩn đoán bệnh tim mạch, sử dụng cảm biến ánh sáng đeo tay để ghi nhận mức độ tiếp xúc ánh sáng gần 10 năm. Kết quả được đối chiếu với hồ sơ bệnh viện, dữ liệu y tế cơ bản, báo cáo cá nhân và sổ đăng ký tử vong.

 

Cụ thể, những người tiếp xúc với ánh sáng mạnh nhất có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn 23-32%, nguy cơ đau tim và suy tim cao hơn 45-56%, nguy cơ rung nhĩ cao hơn 28-32% và nguy cơ đột quỵ cao hơn 28-30%.

Các nhà khoa học cho biết ánh sáng vào ban đêm gây rối loạn nhịp sinh học liên quan tới giấc ngủ, huyết áp, nhịp tim và quá trình đông máu. Ngay cả rối loạn ngắn hạn cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, tăng huyết áp và viêm nhiễm.

Ánh sáng ban đêm có thể đến từ đèn ngủ, tivi, điện thoại, laptop hoặc đèn đường lọt vào nhà. Nhóm tác giả cảnh báo rằng việc hạn chế tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận nguy cơ cao hơn ở nam giới và người lớn tuổi. 

Ngoài ra bạn nên loại bỏ thói quen này nếu muốn tim khỏe

Chất lượng giấc ngủ kém

Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc ngủ ít hơn trong tuần, nhiều vào cuối tuần làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể. Mỗi người nên thiết lập lịch trình ngủ nhất quán, thời gian khuyến nghị là 7-8 giờ mỗi đêm.

Thường xuyên thiếu ngủ góp phần làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh liên quan đến tim, bao gồm cao huyết áp, tăng căng thẳng cho hệ tim mạch, ảnh hưởng đến chức năng tim tổng thể. Vì vậy, cơ thể cần nghỉ ngơi đầy đủ mỗi đêm.

Tư thế ngủ không phù hợp

 

Nằm sấp có thể gây áp lực lên tim, phổi, dẫn đến máu và oxy khó lưu thông hơn bình thường. Ngủ ở tư thế này còn khiến cổ hoặc lưng bị căng.

Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi đường thở tắc nghẽn liên tục, gây ngừng thở trong một khoảng thời gian ngắn. Tình trạng này có thể do một số vấn đề sức khỏe nhất định gây ra như béo phì, suy tim. Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến lượng oxy mà cơ thể nhận được, làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đau tim, đột quỵ...

Ngáy quá mức

Ngáy quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và dẫn đến huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Ngáy có thể là triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ. Huyết áp cao do ngưng thở khi ngủ có khả năng gây hại cho tim. Người ngủ ngáy thường xuyên nên đến bác sĩ khám, thực hiện kiểm tra để biết có bị ngưng thở khi ngủ hay không, mức độ như thế nào.

Tin nổi bật