Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thi vào lớp 10 ở TP.HCM: Học sinh cần lưu ý gì trước khi vào phòng thi?

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay ở TP.HCM diễn ra trong 2 ngày 6 và 7/6. Thí sinh bắt buộc phải dự thi 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ.

Nắm rõ quy chế thi

Ngày mai (6/6), học sinh tại TP.HCM chính thức bước vào ngày thi đầu tiên Kỳ thi vào lớp 10 THPT.

Báo Tin tức dẫn lời ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện các khâu chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh tại lớp 10 đã sẵn sàng.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 - 2025 Thành phố có 158 điểm thi, với 4.513 phòng thi. Mỗi điểm thi đều được bố trí 3 phòng thi dự phòng, mỗi phòng thi tối đa 24 thí sinh.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng huy động 13.539 giáo viên làm cán bộ coi thi và 2.370 nhân viên, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, có 6 trường hợp thí sinh đặc biệt cần sự trợ giúp trong quá trình làm bài thi. Những thí sinh này ở các địa điểm thi Quận 1, Quận 3, Quận 12 và huyện Củ Chi.

Trong đó, có một thí sinh bị lệch cột sống phải nằm viết. Sở đã bố trí thí sinh thi phòng dưới tầng, phòng riêng, có cán bộ ý tế theo dõi trong suốt thời gian làm bài.

Đối với 5 thí sinh còn lại bị gãy tay phải cũng được bố trí thi phòng riêng, có camera giám sát và Sở cũng bố trí cán bộ viết bài hộ vì thí sinh không thể viết bài. Toàn bộ quá trình làm bài của những thí sinh này đều được ghi âm, ghi hình.

Thí sinh cần có tâm trạng thoải mái khi tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT ở TP.HCM. Ảnh minh họa 

Theo quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM, 9h30 ngày 5/6, thí sinh có mặt tại các điểm thi để sinh hoạt quy chế thi, kiểm tra thông tin cá nhân, chỉnh sửa sai sót (nếu có). Theo đó, khi đến điểm thi, thí sinh cần mang theo các giấy tờ tuỳ thân như: Phiếu báo danh (có dán hình); giấy khai sinh (bản photo không cần công chứng) để đối chiếu hồ sơ; thẻ học sinh hoặc thẻ bảo hiểm y tế; hoặc CCCD có gắn chip.

Để tham gia kỳ thi một cách tốt nhất, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các thí sinh chú ý kỹ những quy định chung về giờ giấc và quy chế thi.

Theo quy định, thí sinh được mang vào phòng thi các vật dụng gồm: Bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Thí sinh không được phép mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Nếu thí sinh mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi hoặc viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi… sẽ bị đình chỉ thi.

Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài. Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của mình vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.

Giữ tâm trạng thoải mái

Báo Dân Việt dẫn lời Thạc sĩ Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ, ngoài ôn luyện kiến thức hằng ngày thì các thí sinh cần lưu ý thêm những điều sau, bao gồm:

1. Chuẩn bị thật kĩ lưỡng những dụng cụ cần thiết khi đi thi, tìm hiểu quy chế thi để thực hiện cho đúng quy định.

2. Ngủ đủ giấc không thức quá khuya, uống đủ lượng nước, ăn đủ chất để não hoạt động đạt kết quả tối ưu nhất.

3. Ôn tập một cách khoa học, giữ tâm lý thoải mái tránh áp lực, căng thẳng

4. Đứng trước những câu hỏi khó, kiến thức chưa hồi về kịp đừng vội đầu hàng. Thay vào đó, các thí sinh hãy hít thở thật sâu, lấy lại sự điều độ, bình tĩnh, cố gắng đừng để bài trống hãy làm bài trong khả năng của mình.

5. Khi làm bài hãy tập trung vào bản thân đừng để những yếu tố ngoại vi hay áp lực từ bạn cùng phòng chi phối.

6. Có sự phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Những câu hỏi dễ, trong khả năng các bạn dành sự ưu tiên hoàn thành trước. Những câu hỏi quay lại giải quyết sau. Tránh tốn nhiều thời gian, sự tập trung ở những câu hỏi khó. Vì điều đó có thể dẫn đến không đủ thời gian hoàn thành tất cả các câu hỏi.

7. Lưu ý kỹ giờ thi, đến đúng giờ hoặc sớm hơn tránh tình trạng đến trễ. Vì đến trễ rất dễ nảy sinh tâm lý lo lắng, hồi hộp ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

Tin nổi bật