Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thi tuyển công chức Bộ Công thương: Nghi án "quân xanh, quân đỏ"

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Cơ chế "xin cho" dường như đang quay lại, khó kiểm soát hơn khi được biến tướng dưới những hoạt động công khai như thi tuyển công chức.

(ĐSPL)- Thi tuyển cán bộ công chức là nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng, xóa bỏ cơ chế "xin cho" và lựa chọn được những người thực sự có tài.
Thế nhưng, cơ chế "xin cho" dường như đang quay lại, khó kiểm soát hơn khi được biến tướng dưới những hoạt động công khai như thi tuyển công chức.
Tiền, quyền và những sai phạm "khó nuốt trôi"
Rất nhiều người có bằng cấp hiện nay cho rằng, họ thất nghiệp vì là do không có những "mối quan hệ". Họ không thuộc thành phần "con ông cháu cha" nên dẫu có tiền chưa chắc đã "vào" được cơ quan Nhà nước. Cánh cửa công chức trở nên lạnh lùng và khó tính một cách có "chọn lọc".
Chắc hẳn, nhiều người vẫn chưa quên sự việc "chạy công chức" ở huyện ứng Hòa, Hà Nội cách đây không lâu. ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tại thời điểm năm 2012 đã phản ánh về thực trạng "chạy công chức" không dưới 100 triệu đồng mà nhiều người đã phản ánh tới ông. Sau một thời gian vào cuộc, Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội đưa ra kết luận, không có sự việc đưa và nhận tiền mà sai phạm nằm ở chỗ có sự giúp đỡ người quen thân thông qua tác động nâng điểm!? Đáng lưu ý hơn, thực trạng "chạy công chức" với cái giá hàng trăm triệu đồng còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Nhưng cứ dư luận phản ánh lên là lại có giải trình không sai phạm của cán bộ địa phương ngay sau đó.
Đương nhiên, dư luận khó đồng tình và vẫn nhiều phẫn nộ với kết quả này. Nhưng lùm xùm rồi cũng rơi vào quên lãng.
Mới đây, Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (A85 - Bộ Công an) đã điều tra làm rõ sai phạm liên quan đến việc lộ đề thi trong đợt thi tuyển công chức năm 2013 tại Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương.
Theo đó, ngày 5 - 6/10/2013, Cục QLTT tổ chức kỳ thi tuyển công chức để chọn nhân sự cho 10 chỉ tiêu vào cơ quan này. Kỳ thi có tới 299 thí sinh tham gia dự. Ngày 31/10/2013, khi cục QLTT công bố điểm thi thì có đơn thư khiếu nại, tố cáo việc "lộ đề thi". Sự việc lúc này đang ở mức độ tố cáo, chưa rõ đúng sai. Ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội đồng thi tuyển vẫn khẳng định, việc thi tuyển đúng quy định và sau đó làm công văn gửi lãnh đạo Bộ Công Thương xin phê duyệt kết quả thi.
Vụ việc sau đó đã được phản ánh tới một số đại biểu Quốc hội và tiếp tục được điều tra làm rõ một số cán bộ cục QLTT và thí sinh có dấu hiệu vi phạm quy định (liên quan đến việc lộ đề thi). Tại cuộc họp báo mới đây nhất vào ngày 4/8/2014, Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải đã thừa nhận sai phạm, công bố hủy ba kết quả trúng tuyển, công nhận bảy kết quả khác, vì chưa phát hiện liên quan đến việc lộ đề thi. ông Hải cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục điều tra làm rõ. Một số cán bộ có dấu hiệu sai phạm đã được xử lý bằng hình thức hạ một bậc lương và cảnh cáo. Còn một số cán bộ cấp cao hơn thì theo ông Hải "có yếu tố giảm nhẹ như thương binh, sắp nghỉ hưu".
Sự việc đã rơi vào "im lặng" trong một thời gian khá dài. Và bây giờ, nó được khơi gợi lại, được xử lý cũng coi như một dấu hiệu đáng mừng. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao nhiêu thì dư luận lại tiếp tục rơi vào sự thất vọng. Hạ bậc lương, cảnh cáo đối với một sai phạm động trời là vì sao? Câu hỏi đặt ra là trong bảy kết quả trúng tuyển còn lại, ai dám chắc, tất cả đều không biết trước đề?
Cơ chế "xin cho" đang biến tướng qua những hoạt động công khai như thi công chức. Ảnh minh họa.
Ai đã “cố đấm ăn xôi”?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá cho rằng: "Đã thi là phải công bằng. Những người làm lộ đề thi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ai đảm bảo những người biết trước đề thi không bán và phát tán rộng rãi?".
Theo bà Khá, bản chất của cuộc thi tuyển công chức là tốt. Chỉ có điều, con người thực hiện không muốn làm tốt nó. Trong trường hợp này, người tham gia thi không vi phạm sẽ nghĩ mình chỉ là "quân xanh, quân đỏ". "Việc nhét tiền hiện nay là có nhưng có ở mức độ nào thì phải được xác định rõ ràng qua từng sự việc. Muốn kỷ cương pháp luật nghiêm minh thì phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng cá nhân liên quan. Nếu đã có sự "bật đèn xanh" từ trước thì cũng không cần phải có một cuộc thi làm gì cho tốn kém và ảnh hưởng đến uy tín của những cuộc thi khác", bà Khá khẳng định.
Vị đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu: "Người làm sai là một chuyện, nhưng người lãnh đạo cấp trên rõ ràng phải chịu trách nhiệm nặng nhất. Nếu chỉ kỷ luật, chỉ hạ một vài bậc lương thì tôi e không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, mỗi một chức danh đều có phụ cấp trách nhiệm. Người được hưởng phụ cấp thì phải chịu trách nhiệm với phần phụ cấp đó. Đây là những sai phạm khó chấp nhận nhưng rất khó để khắc phục nếu không xử lý nghiêm từ các cán bộ cấp cao".
Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Cách duy nhất và quan trọng nhất là phải bảo đảm thực chất tính trung thực và mục đích của cuộc thi. Những người trong cuộc phụ trách cuộc thi phải có trách nhiệm, công minh chính đại, trung thực, có phẩm chất đạo đức tốt, không để cho bất cứ lợi ích cá nhân nào đan xem trong đó. Đặc biệt, phải loại bỏ yếu tố quan hệ thân quen. Nếu phẩm chất cá nhân đến một lúc nào đó di căn là làm hỏng phẩm chất chính trị".
Ông Thanh đưa quan điểm: "Đã thi thì phải tổ chức cho ra một kỳ thi. Không làm một cách nhộn nhạo, sai quy trình làm mất uy tín những cuộc thi lần sau. Rõ ràng có thực trạng, nhiều người giỏi không đủ tự tin thi không phải vì kiến thức mà vì không có tiền, không có mối quan hệ. Tôi cho rằng, sai phạm có thể do cá nhân nào đó "cố đấm ăn xôi", đã "nhúng tay vào chàm" thì tiếp tục cố cho bằng được. Hoặc cũng có thể, họ sắp nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác nên cố làm trận cuối cùng theo kiểu "cha ra con vào giữ ghế". Cũng có thể giữa những người vi phạm có mối quan hệ ràng buộc nào đấy, ràng buộc về vật chất hoặc về tình cảm".
Dư luận hẳn chưa quên trường hợp bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1976), kiểm soát viên thị trường đội QLTT số 7, Chi cục QLTT Bình Định từng là dân buôn lậu, từng bị truy nã, chịu án phạt tù và chưa được xóa án tích được tuyển dụng vào làm việc tại chi cục QLTT Bình Định trong kỳ thi tháng 4/2013. Liệu còn bao nhiêu công chức QLTT được tuyển dụng khuất tất như thời gian qua và chất lượng công chức ngành này sẽ đi về đâu?
Bộ Nội vụ đang chờ báo cáo của Bộ Công thương
Ngày 6/8, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ này đã có văn bản yêu cầu vụ Công chức, viên chức và thanh tra Bộ vào cuộc. Bộ Nội vụ sẽ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo vụ việc để có biện pháp xử lý cụ thể.

Tốt nhất là hủy toàn bộ kết quả

"Trường hợp lộ đề thì tốt nhất là không công nhận kết quả của cả cuộc thi. Còn nếu biết chắc chắn những người còn lại không liên quan chuyện lộ đề thì vẫn có thể công nhận kết quả, nhưng như vậy thì khá là khó. Nếu tôi ở đơn vị đó, có quyền hạn, tôi sẽ không công nhận kết quả của bất cứ cá nhân nào", ông Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh.

 

Tin nổi bật