Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang gây lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp với một căn bệnh truyền nhiễm mới, đó là bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, tương tự như bệnh đậu mùa. Đậu mùa khỉ có các triệu chứng như sốt, sưng hạch bạch huyết và phát ban đặc biệt trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân và cơ quan sinh dục.
Theo các nghiên cứu, nam giới đồng tính nam và lưỡng tính, cũng như những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới khác, là nhóm đối tượng có nguy cơ bị mắc đậu mùa khỉ cao nhất. Đây có thể là một căn bệnh nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng 3-6%, mặc dù đa số mọi người có thể tự khỏi bệnh tại nhà mà không cần nhập viện hoặc dùng thuốc.
Tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khác thường ở chỗ, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chủ trì một ủy ban khẩn cấp (một ủy ban cố vấn chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới về virus học, dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng) để nhấn mạnh rằng cảnh báo mức độ cao nhất nên được đặt ra. Trong đó, ông giải thích: "Chúng ta có một đợt bùng phát đã lan nhanh khắp thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít và dịch bệnh có đủ các tiêu chí để ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định y tế quốc tế".
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Một căn bệnh được gọi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm khi đó là một "sự kiện bất thường" tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế, đòi hỏi một phản ứng toàn cầu có sự phối hợp.
Hồi chuông cảnh báo cấp cao nhất của WHO đã từng được đưa ra với nhiều dịch bệnh trong lịch sử, bao gồm COVID-19, Ebola, virus Zika và cúm lợn H1N1.
Bệnh đậu mùa khỉ vốn không phải một căn bệnh mới. Đậu mùa khỉ lần đầu được phát hiện tại Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các đợt bùng phát đậu mùa khỉ phần lớn được kiểm soát và chỉ thỉnh thoảng bùng phát ở vài quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát hiện nay, đậu mùa khỉ đã lây lan tới nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả châu Âu và Mỹ, với số ca mắc đã vượt mốc 15.000 trường hợp.
Tổng giám đốc WHO đã đặt câu hỏi về sự gia tăng bất thường này cũng như cách thức lây lan của virus đậu mùa khỉ. Một tài liệu nghiên cứu mới về 528 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ ở 16 quốc gia cho thấy 98% những người bị nhiễm bệnh là nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính, 75% trong số họ là người da trắng và 41% bị nhiễm HIV. Không có phụ nữ nào nằm trong số các trường hợp mắc bệnh, và 95% ca bệnh cho là đã lây nhiễm virus qua đường tình dục.
Những phát hiện này rất quan trọng trong việc phát triển một phản ứng sức khỏe cộng đồng hiệu quả và phù hợp để ngăn chặn sự lây lan mà cần tập trung chủ yếu vào nhóm có nguy cơ cao nhất hiện nay: Nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Trong khi một số ý kiến cho rằng việc gắn mác MSM là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là kỳ thị đồng tính, những người khác nhận định quan điểm khiến mọi người nhận ra các vấn đề của lây lan này và không làm gì để ngăn chặn tình hình.
Tiêu chuẩn trong lĩnh vực y tế công cộng khi giải quyết các bệnh truyền nhiễm là xác định nhóm nào có nguy cơ cao nhất và đưa ra hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực mà bệnh có thể gây ra. Hãy nghĩ đến các chiến dịch tiêm phòng cúm được điều chỉnh để bảo vệ người mang thai hoặc người lớn tuổi - một số trong những nhóm có nguy cơ cao nhất có thể mắc và tử vong do cúm. Đây cũng là một căn bệnh có thể dễ dàng lây lan bên ngoài cộng đồng MSM, do hình thức lây truyền thông thường của nó là qua các thành viên trong gia đình, những người tiếp xúc gần gũi và nhân viên y tế.
Các nước phương Tây đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh: The Guardian
May mắn thay, chúng ta có một loại vaccine hiệu quả - được phát triển cho bệnh đậu mùa - đã được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguồn cung loại vaccine này đã bị hạn chế, ngay cả tại Anh. Để đáp ứng sự cấp thiết trong việc ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ, chúng ta cần tiên chủng cho cộng đồng MSM và đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine và khả năng tiếp cận nguồn lực y tế cho tất cả những người cần thiết. Đồng thời, cần có thông điệp và giáo dục rõ ràng để nâng cao nhận thức về các triệu chứng và xét nghiệm, cũng như hỗ trợ những người muốn cách ly và cần nghỉ làm.
Với bối cảnh mệt mỏi sau nhiều năm chống chọi với đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo y tế công cộng không muốn tiếp tục đối phó với một vấn đề y tế khác. Tuy nhiên, đây là một tình huống nghiêm trọng và là một tình huống khẩn cấp toàn cầu thực sự, như WHO đã tuyên bố. Thay vì mệt mỏi và hoài nghi, đã đến lúc các chính phủ phải tăng cường phản ứng phù hợp với đậu mùa khỉ. Căn bệnh này sẽ không liên quan đến việc đóng cửa hoặc hạn chế đi lại, mà cần giám sát, kiểm tra, cung cấp hỗ trợ cách ly, thông báo rõ ràng và tiếp cận với các nhóm có nguy cơ cao nhất. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo các mục tiêu tiêm chủng.
Bệnh đậu mùa khỉ là một lời nhắc nhở rằng một căn bệnh lưu hành, dù ở xa đến đâu, cũng chỉ cách chúng ta một chuyến bay và rằng virus không bị giới hạn bởi ranh giới quốc gia. Theo kinh nghiệm từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong lịch sử, cách tiếp cận tốt nhất vẫn là hành động tập thể.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)