Nhiều quyết sách gây tranh cãi, hàng loạt tuyên bố gây sốc, những hành động làm chấn động thế giới.
Đó là những gì đánh dấu mốc 100 ngày nắm quyền của ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ xuất thân từ giới kinh doanh với khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại."
Khoảng 30 văn bản hành pháp được ký và 28 luật được bổ sung vào hệ thống luật hiện hành trong 3 tháng, con số chưa từng có kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, là minh chứng rõ nét cho nhận định của hãng tin CNN: ông Trump là "con người của hành động."
Ngay sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã có những động thái nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và từng bước gây dựng dấu ấn cá nhân với định hướng rõ ràng: đền đáp những cử tri bất mãn, những người đã đưa ông vào Nhà Trắng.
Những lời hứa với cử tri mà ông Trump đã hoàn thành, có thể kể đến rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); tuyên bố nhanh chóng đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA); cho phép tái triển khai dự án xây dựng các đường ống dẫn dầu Keystone XL và Dakota Access; bỏ hỗ trợ về tài chính cho các thành phố chứa chấp nhiều dân di cư trái phép; cấm các nhân viên chính phủ và quốc hội vận động hành lang sau 5 năm rời nhiệm sở, cấm các nhân viên chính phủ vận động hành lang cho nước ngoài suốt đời; thành lập lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm và tăng ngân sách cho chương trình đào tạo và hỗ trợ cảnh sát địa phương; dỡ bỏ các hạn chế về khai thác nhiên liệu hóa thạch...
Các quyết sách của ông Trump đã mang lại những kết quả đầu tiên: tạo ra hơn 500.000 việc làm, giảm 61% số các vụ vượt biên trái phép.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở West Palm Beach, bang Florida, Mỹ ngày 7/4. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới sau hơn 3 tháng cầm quyền của ông Trump đã tạo tiền đề để Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản, đồng thời kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 2,8% trong quý 1/2017.
Đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi trước đó kinh tế nước này nhích khá chậm chạp với tốc độ tăng trưởng chỉ 1,6% trong năm 2016.
Một thành tựu nổi bật của Tổng thống Trump là bổ nhiệm thẩm phán Neil Gorsuch vào chiếc ghế còn bỏ trống ở Tòa án Tối cao sau một tiến trình phê chuẩn gay gắt tại Thượng viện.
Đây được coi là chiến thắng chính trị lớn nhất của ông trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, đồng thời giúp khôi phục thế áp đảo (5/4 ghế) của phe Cộng hòa tại Tòa án Tối cao.
Tuy nhiên, tình hình nội bộ Mỹ trong giai đoạn cầm quyền ban đầu của Tổng thống Trump khá “hỗn loạn” với việc một số sắc lệnh ban hành gây tranh cãi và chia rẽ gay gắt.
Trước hết là sắc lệnh cấm người nhập cư đến từ 7 nước Hồi giáo, bị tòa án chặn lại do có dấu hiệu vi hiến, cộng với làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn quốc và nhiều nước.
Người ta so sánh quyết định "cấm cửa" người Hồi giáo của ông Trump với chính sách bài Do Thái của Đức Quốc Xã trước đây, làm bùng nổ cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền với tòa án.
Tiếp đó là việc Tổng thống Trump buộc phải đề nghị không đưa dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) do phe Cộng hòa bảo trợ ra bỏ phiếu tại Hạ viện vì gần như chắc chắn sẽ không nhận đủ số phiếu tối thiểu cần thiết để được thông qua.
Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối với ông chủ Nhà Trắng trong nỗ lực vận động sự ủng hộ của các thành viên trong đảng nhằm thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare.
Bên cạnh đó, tiến trình thành lập nội các của Tổng thống Trump diễn ra chậm chạp, khó khăn.
Mặc dù việc đề cử nhân sự của ông được tiến hành đúng quy trình, nhưng đa số các vị trí không thể nhậm chức đúng hạn do hầu hết các đề cử khi đưa ra Thượng viện đều vấp phải sự chống đối của phía Dân chủ hoặc bị trì hoãn do thiếu giấy tờ thẩm tra nhân thân.
Sau hơn 3 tháng cầm quyền, vẫn còn vị trí quan trọng trong nội các là Bộ trưởng Lao động Alex Acosta và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer vẫn chưa được phê chuẩn.
Có thể nói, mảng "đối nội" trong bức tranh 100 ngày của ông Trump khá ngổn ngang với những gam màu đậm nhạt lộn xộn.
Trong khi đó, phần "đối ngoại" thậm chí còn gây đảo lộn hơn với những gam màu chói bởi nó phần nào đi ngược lại với những gì ông Trump từng thể hiện trong quá trình tranh cử.
Khi đó, ông Trump từng bày tỏ quyết tâm giảm bớt các cam kết của Mỹ trong các vấn đề quốc tế nói chung và với các đồng minh ở châu Âu, Đông Bắc Á và Trung Đông nói riêng, nhằm tập trung tốt hơn cho các vấn đề trong nước, theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết.”
Tuy nhiên, việc ra lệnh không kích Yemen, tập kích căn cứ không quân của Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk dù không được sự đồng ý của Liên hợp quốc hay vụ ném “siêu bom” GBU-43/B xuống mục tiêu thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan, điều tàu sân bay áp sát bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đánh đòn phủ đầu nếu Bình Nhưỡng thử hạt nhân...
Những động thái cứng rắn này khác hẳn với người tiền nhiệm Obama, cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng theo đuổi chủ nghĩa can thiệp đơn phương từng khiến Mỹ một thời được được ví như "sen đầm quốc tế."
Dù vẫn còn nhiều điểm khác biệt với xu hướng chính sách đối ngoại truyền thống ở Mỹ, ông Trump đã thể hiện sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Syria và Afghanistan, chấm dứt chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Obama đối với Triều Tiên.
Ngay đối với Trung Quốc và Nga, những quốc gia mà nhiều người lo lắng Mỹ sẽ bị thua thiệt vì sự thiếu kinh nghiệm của tổng thống mới, ông Trump đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải nhượng bộ để tránh một cuộc chiến tranh thương mại và hiểu rằng quan hệ Mỹ - Trung gắn liền với sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời ông Trump trên thực tế là tổng thống duy nhất của Mỹ từ sau chiến tranh Lạnh chưa có hành động đáng chú ý nào nhằm tái khởi động quan hệ với Nga trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến thăm tới châu Âu, Đông Bắc Á, Nam Á và Trung Đông của các phụ tá thân cận như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster hay Cố vấn cấp cao - con rể Jared Kushner đã cho thấy chính quyền Tổng thống Trump vẫn chú trọng quan hệ với các đồng minh truyền thống, trái với các tuyên bố lúc tranh cử như sẵn sàng xem xét lại quan hệ với các đồng minh nếu không san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng.
Sau một thời gian dài khá im hơi lặng tiếng, chính quyền Mỹ đã xác nhận ông Trump sẽ tham dự Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và Cấp cao Đông Á (EAS) vào tháng 11 tới. Việc công bố quyết định trên từ khá sớm (trước 6 tháng) cho thấy chính quyền Trump vẫn rất coi trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, trái với những thông tin cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ từ bỏ chính sách "xoay trục" sang châu Á được đưa ra dưới thời chính phủ tiền nhiệm.
Những động thái này cũng hé lỗ khả năng Tổng thống Trump muốn lấy đối ngoại làm điểm nhấn trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của mình.
Sau quãng thời gian kỳ vọng về một sự đổi thay mạnh mẽ cho nước Mỹ, những người ủng hộ ông Trump có vẻ rơi vào tâm trạng thất vọng phổ biến, thậm chí có phần "vỡ mộng."
Nhìn một cách tổng thể, cách xử lý công việc của ông Trump sau 100 ngày cầm quyền đầu tiên được đánh giá là chưa thỏa đáng và tỷ lệ ủng hộ ông hiện ở mức thấp nhất so với các đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1945.
Nguyên nhân khiến Tổng thống Trump không nhận được nhiều sự tín nhiệm của người dân có thể xuất phát từ việc ông chưa thực hiện được những lời hứa đưa ra lúc tranh cử, cũng như những thất bại đáng kể của ông trong việc ban hành lệnh cấm nhập cư hay thay thế các di sản của chính quyền tiền nhiệm như Obamacare.
Thời gian hơn 3 tháng là chưa đủ để kết luận thành công hay thất bại của một tổng thống Mỹ, nhưng cũng bộc lộ cách thức ông Trump điều hành đất nước và khuynh hướng mà chính quyền của ông sẽ theo đuổi.
Những gì ông thể hiện trong thời gian qua chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ và ông sẽ phải cố gắng rất nhiều để có thể biến khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" thành hiện thực.