Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng thống Donald Trump dùng Binh pháp Tôn Tử để đối phó vấn đề Triều Tiên?

(DS&PL) -

Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là đang thực hiện những bước đi khôn ngoan trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là đang thực hiện những bước đi khôn ngoan trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cảnh báo của cựu Tổng thống Obama

Hai nhân vật được dư luận thế giới chú ý nhất hiện nay là Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một người đứng đầu siêu cường, nơi mà ở đó người dân một phần bị xói mòn niềm tin ở hệ thống chính quyền. Người còn lại lãnh đạo một quốc gia tuy nhỏ nhưng luôn biết cách khiến các cường quốc phải dè chừng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump là hai nhân vật chính trị được chú ý nhất trong thời điểm hiện tại. (Ảnh: Getty).

Donald Trump và Kim Jong-un, một người từng khiến dân Mỹ nghi ngờ với khả năng lãnh đạo, do chưa hề có kinh nghiệm hoạt động chính trị, người còn lại được trọng vọng như một vị vua có quyền lực tối thượng ở đất nước khép kín nhất thế giới. Cả hai hiện đều đang đặt tay vào nút bấm quyền lực có khả năng gây ra một cuộc chiến trên quy mô toàn diện.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cảnh báo người kế nhiệm ông rằng, thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của Washington luôn là Triều Tiên. Tới thời điểm này, chính quyền mới của ông Trump đã hoàn tất quá trình cân nhắc chính sách với Bình Nhưỡng. Mâu thuẫn, căng thẳng đã được gieo khắp khu vực bán đảo Triều Tiên. Phải chăng chính sách “không kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Donald Trump đã thắng thế?

Trung Quốc đang "cầm chìa khóa" vấn đề Triều Tiên?

Hiện tại, Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa cho câu hỏi hóc búa về vấn đề chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Khoảng hơn 80% giá trị thương mại của Triều Tiên là thông qua con đường biên giới với Trung Quốc. Đồng thời, những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và nhiên liệu từ biên giới Trung Quốc đều là những nhân tố sống còn đối với sự tồn tại của Triều Tiên.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua rất nhạy cảm với khu vực biên giới phía đông bắc, nên đã duy trì quan hệ khăng khít với Triều Tiên. Bắc Kinh muốn duy trì một vùng đệm tại bán đảo Triều Tiên, để chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn từ phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Bình Nhưỡng được coi như một phương tiện giúp Trung Quốc cân bằng chiến lược tại khu vực.

Tổng thống Mỹ đã đề nghị với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Đã có những dấu hiệu cho thấy, sự kiên nhẫn của Trung Quốc với Triều Tiên dường như trở nên mong manh trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Donald Trump Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bắc Kinh đã không chấp nhận một tàu than lớn từ Triều Tiên, một mặt hàng xuất khẩu chủ đạo từ Bình Nhưỡng. Sau cuộc gặp mặt, những diễn biến bất ngờ đã ập tới.

Một bài xã luận của tờ báo nhà nước gợi ý rằng, Bắc Kinh nên áp đặt một lệnh cấm vận nhiên liệu với Triều Tiên, một động thái dễ thực hiện, dễ quan sát, có thể khiến Bình Nhưỡng “đầu hàng” mà không làm hại tới bất kỳ ai. Một nhà sử học người Trung Quốc cũng lên tiếng khẳng định, đã tới lúc Bắc Kinh ngừng hỗ trợ một quốc gia có nhiều vấn đề và lợi ích của họ không còn phù hợp với Trung Quốc.

Nhưng cho tới nay, những tuyên bố trên vẫn chỉ là lời nói đầy mơ hồ. Dẫu vậy, những nỗ lực của ông Trump nhằm thuyết phục ông Tập gây sức ép với Triều Tiên cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận. Phải nói rằng, ông Trump – dù mới trải qua những tháng đầu của nhiệm kỳ Tổng thống – đã làm được nhiều việc hơn so với những người tiền nhiệm.

Chiến lược về Triều Tiên của ông Trump không chỉ dừng lại ở những cuộc đàm phán với Trung Quốc, mà ông cũng tận dụng những đặc điểm tính cách của chính bản thân để giải quyết vấn đề an ninh tại Bình Nhưỡng. Tổng thống thứ 45 của Mỹ dường như đã cố ý tự họa bức chân dung trong đó ông là một nhân vật nguy hiểm và khó lường.

Donald Trump và Binh pháp Tôn Tử

Người đứng đầu Nhà Trắng không ngại thể hiện là một người hiếu thắng, khi cho triển khai một đợt tấn công mạnh mẽ bằng hàng chục quả tên lửa Tomahawk nhằm vào Syria cũng như đưa “Mẹ của các loại bom” (MOAB) tới Afghanistan. Cả hai hành động này đều được cho là nhằm “đánh động” phía Triều Tiên.

Hơn nữa, thế giới cũng sững sờ khi ông Trump cảnh báo rằng, một hạm đội hùng mạnh do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu đã được điều tới bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Mỹ tiếp tục thông báo tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã tới căn cứ hải quân ở Busan, Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. (Ảnh: Daily Star).

Khi hạm đội Mỹ được thông báo là hướng tới Triều Tiên, giới quan sát và cả Bình Nhưỡng nghĩ rằng Washington đang trên đường hướng tới một cuộc chiến tranh. Nhưng rất nhanh sau đó, cả thế giới cảm thấy bối rối và bàng hoàng khi phát hiện ra sự thật rằng, hạm đội tàu USS Carl Vinson của Mỹ chưa hề tới gần Triều Tiên.

Dù người ta bắt đầu nghi ngờ về những phát biểu của ông Trump, nhưng niềm tin với Mỹ vẫn chưa hoàn toàn bị xói mòn. Hạm đội Mỹ cuối cùng vẫn có mặt tại đó. Cả Tokyo và Seoul đều không phàn nàn.

Như vậy, sự khó lường của Washington đã được nâng lên một tầm cao mới. Kể từ thời Tôn Vũ, tác giả của Binh pháp Tôn Tử, sự bất ngờ và đánh lạc hướng đã được đánh giá là một chiến thuật quân sự cao tay. Có thể ông Trump đã áp dụng kế sách này trong Binh pháp Tôn Tử để đối phó với Triều Tiên.

Liệu hướng kế sách trên của ông Trump có khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải do dự về kế hoạch thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6? Ông Trump từng nói rằng, nếu Bắc Kinh không thỏa thuận với Bình Nhưỡng thì Washington sẽ làm điều đó. Liệu lời cảnh báo đó có khiến Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược về Triều Tiên?

Hiện tại những câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời. Nhưng tới nay, những động thái của Tổng thống Mỹ tại Triều Tiên chứng tỏ ông “không phải dạng vừa”. Chúng cho thấy, ông Trump đã áp dụng những công cụ chiến lược, ngoại giao một cách sáng tạo theo cách của riêng mình.

Danh Tuyên

Tin nổi bật