(ĐSPL) - Không ít người đã bị đuổi việc, thậm chí trở thành đối tượng tội phạm "siêu" lừa vì sử dụng bằng giả để luồn lách vào các cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, không ít cán bộ, công chức mang trên mình cái "mác" thạc sỹ, tiến sỹ nhưng vẫn không đủ năng lực làm việc vì sử dụng "đồ giả" mà chẳng hề được đào tạo.
Bằng giả và bi kịch "mèo lại hoàn mèo"
Chị Nguyễn Thị C. (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi bị đuổi việc khi đang tham gia công tác giảng dạy tại một trường cao đẳng tư thục trên địa bàn TP.HCM mà không hề được chi trả các khoản trợ cấp. Điều này đã khiến cho cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn vì bỗng dưng bị thất nghiệp. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn, con nhỏ nay ốm mai đau. Hơn thế nữa, sau khi bị cho thôi việc, tôi rất khó để đi xin việc ở nơi khác. Hầu hết các đơn vị tuyển dụng đều lắc đầu, trả lại hồ sơ khi nhìn thấy quyết định cho thôi việc của tôi".
Điều đáng buồn là nguyên nhân của việc bỗng dưng bị đuổi việc này là do chị C. sử dụng bằng thạc sỹ giả để đi xin việc. Sau một thời gian được ký hợp đồng giảng dạy tại đây, chị C. bị nhà trường phát hiện và cho thôi việc. Thế nhưng, chi C. không phải là "nạn nhân" đầu tiên bị đuổi việc vì sử dụng bằng giả.
Trường hợp của ông Lưu Ngọc C. (49 tuổi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng phải nhận quyết định cách chức vào ngày 27/12/2013 vì sử dụng bằng cấp THCS và THPT giả.
Cùng ngày, ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Dơi đã tiến hành kỷ luật cách chức trong đảng và cách chức chính quyền đối với ông Lê Minh T. (45 tuổi, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc trung tâm Dạy nghề huyện Đầm Dơi) vì sử dụng bằng cấp giả.
|
Đối tượng Hồ Quang H. trở thành tội phạm "siêu lừa" vì sử dụng bằng cấp giả. |
Không chỉ bị đuổi việc, ông Hồ Quang H. còn trở thành tội phạm "siêu lừa" vì sử dụng bằng cấp giả để được làm giảng viên tại trường đại học Quốc tế Hồng Bàng. Trước đó, vì sự lỏng lẻo trong công tác tuyển dụng của nhà trường nên ông H. đã tham gia giảng dạy một thời gian trong trường. Vụ việc chỉ được phơi bày khi giảng viên H. có một số hoạt động vi phạm pháp luật nên nhà trường đã tiến hành xác minh lại hồ sơ của H. và cho thôi việc.
Liên quan đến những sai phạm của H., kết quả điều tra của cơ quan công an cho biết, năm 2010, H. mua một bằng giả tốt nghiệp đại học của học viện Quân y để làm hồ sơ xin vào làm giảng viên của khoa y trường đại học quốc tế Hồng Bàng. Tại đây, H. đã tự ý thu tiền phí của sinh viên mà không cấp biên lai, chứng từ dẫn đến nhiều tân sinh viên không thể nhập học.
Điều đáng nói, trước khi bị đuổi việc tại trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, H. đã kịp dụ các sinh viên lấy bằng, mua các loại bằng từ trung học chuyên nghiệp tới đại học với giá từ 40-11 triệu đồng/bằng. Sau khi nhận tiền, H. thuê một số đối tượng làm bằng giả với giá khoảng 50 triệu đồng/bằng để trả cho sinh viên.
Ngoài ra, nhiều năm nay việc sử dụng tấm bằng tốt nghiệp THPT giả để đi xin việc làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM đã trở thành phong trào phổ biến và cũng không kém phần sôi động.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ bị đuổi việc mà còn bị cắt hết các khoản trợ cấp sau một thời gian dài làm việc vì bị phát hiện sử dụng hồ sơ, bằng cấp giả. Không chỉ vậy, nhiều người đã mất nhà, mất đất vì mua phải nhà đất có giấy tờ giả...
Những "bản án tử" được báo trước
Việc sử dụng bằng cấp giả không chỉ gây hậu quả khôn lường cho người sử dụng mà còn là tác nhân kìm hãm sự phát triển của xã hội và gây họa cho nhiều người. Thật vậy, chúng tôi may mắn đước tiếp xúc với chị M. (37 tuổi, ngụ TP.HCM, nạn nhân của một vụ tai nạn do lái xe sử dụng bằng giả gây ra) để biết thêm một hậu quả đau lòng nữa từ nạn sử dụng bằng giả. Trao đổi với chúng tôi, chị M. chi biết: "Cách đây vài tháng, gia đình tôi rơi vào tình trạng hoảng loạn vì một vụ tai nạn giao thông gây ra".
|
Các đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật là những tấm bằng, chứng chỉ giả (Ảnh: CAND). |
Chị M. cho biết: "Hôm đó, tôi đang chở con gái đi học về thì bị chiếc xe tải do tài xế X. tông vào từ phía trước khi đang lạng lách, lấn tuyến để vượt lên. Vụ tai nạn may mắn đã không xảy ra chết người nhưng tôi và con gái phải nằm viện trong nhiều tháng trời. Cho đến nay, mặc dù mẹ con tôi đã xuất viện, nhưng di chứng của vụ tai nạn vẫn hiển hiện và đeo đẳng trên cơ thể chúng tôi. Con gái tôi vì vụ tai nạn nên tinh thần hoảng loạn và đầy thương tích trên người. Bản thân tôi thì không thể đi đứng, nói năng bình thường như trước được nữa. Điều đó đã khiến cho cuộc sống gia đình gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại, trong khi hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn".
Cũng theo chị M. cho biết, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với gia đình chị là do tài xế xe tải X. sử dụng giấy phép lái xe giả và chưa hề qua đào tạo. Chính vì vậy, vì không hiểu luật nên vị tái xế này đã lái xe theo cảm tính, chứ không theo bất kỳ quy định nào nên bất ngờ gây tai nạn cho gia đình chị M. Hơn thế nữa, vụ tai nạn cũng đã khiến cho tài xế X. phải suốt đời gắn bó với chiếc xe lăn.
Vụ việc một lần nữa cho thấy, bản thân người bỏ tiền để mua tấm bằng lái xe giả đã đồng nghĩa với việc đánh cược mạng sống của mình và của người khác. Không chỉ trường hợp của chị M., thời gian qua đã có không ít người bỗng dưng trở thành nạn nhân trong những vụ tai nạn chết người chỉ vì tài xế sử dụng bằng lái giả.
Tốt nghiệp tiến sỹ vẫn không làm được việc
Đó là thông tin cung cấp của chị L.H.T. (40 tuổi, một giáo viên cấp 3 tại tỉnh Long An) cho biết: "Trước đây, người nắm giữ trong tay tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ là những người rất được coi trọng và nể phục. Bởi để có được tấm bằng đó, bản thân người đó đã cố gắng và trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, việc có trong tay những tấm bằng ấy quá dễ dàng đối với nhiều người. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ để có quyền "hô mưa, gọi gió" nhưng chất lượng của nó thì chỉ bản thân những người đó mới hiểu được. Hậu quả là rất nhiều người nắm trong tay tấm bằng thạc sỹ, tiến sỹ song vẫn không làm được việc.
Cụ thể là tôi biết một số giáo viên cấp 3 đã tốt nghiệp thạc sĩ trong nước nhưng kiến thức tiếng Anh, tin học chẳng bằng một em học sinh phổ thông(?!). Thậm chí, kiến thức chuyên môn cũng mù mờ, không đủ năng lực để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng vẫn bị các đơn vị kêu ca là không đủ năng lực".
Đó là thảm họa của nền giáo dục hiện nay mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ biến chứng của bệnh thành tích, chạy theo phong trào bằng cấp. Và quan trọng hơn cả là do việc tuyển dụng nhân sự của một số cơ quan, đặc biệt là cơ quan nhà nước còn quá lỏng lẻo, thiếu kiểm soát.
Bằng giả chỉ có thể vào hệ thống Nhà nước!? Trao đổi về nạn bằng giả hiện nay, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên họp của Hồi đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực: "Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không lọc được thì việc thực học, thực nghiệp vẫn sẽ còn là câu hỏi". |