(ĐSPL) - Cuối năm 2011, vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của người bố, chưa đầy một năm sau, người mẹ lâm bệnh và đã qua đời sau 3 năm điều trị tại bệnh viện. Giờ đây, chỉ còn lại ba đứa con thơ và bà nội gần 80 tuổi sống nương tựa vào nhau.
Đó là hoàn cảnh đáng thương của 3 cháu nhỏ Phạm Trung Đức (SN 1998) đang học lớp 10, Phạm Trung Tín (SN 2001) đang học lớp 8 và cháu Phạm Bình Minh (SN 2010), ở thôn 2, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cả ba cháu hiện đang sống với bà nội Đoàn Thị Ngọc đã già yếu.
Chúng tôi tìm đến gia đình 3 cháu vào một buổi sáng trời mưa nặng hạt kèm những đợt gió lạnh tràn về. Ngay từ đầu đường vào thôn, khi thấy chúng tôi hỏi đường về nhà bà Ngọc nuôi ba cháu mồ côi, một cụ bà thở dài: "Tội nghiệp cho 3 cháu lắm anh chị ơi. Bây giờ chúng nó chẳng biết dựa dẫm vào ai. Miếng cơm manh áo, tiền học hành cho 3 đứa cháu đè nặng trên vai của bà nội gần 80 tuổi. Mà tài sản thì không có chi đáng giá”. Nói rồi cụ chỉ cho chúng tôi con đường nhỏ dẫn vào nhà ba bà cháu.
Trong căn nhà cấp 4 được các nhà hảo tâm, chính quyền xã và bà con ủng hộ xây dựng ngay sau khi đứa con trai mất, khói hương vẫn đang nghi ngút. Thấy có tiếng người lạ, bà Ngọc hỏi vọng ra rồi từng bước lò dò từ chuồng bò đi lên cất tiếng chào chúng tôi.
Sau khi rửa vội bàn tay và mời chúng tôi vào nhà uống nước, bà Ngọc rưng rưng nước mắt kể về nỗi bất hạnh của 3 đứa cháu tội nghiệp: Năm 1997, sau một thời gian tìm hiểu, dành tình cảm cho nhau, anh Phan Quốc Thịnh (SN 1965, đứa con trai thứ 3 của bà) nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Nga (SN 1974), người ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Niềm hạnh phúc được nhân đôi khi gia đình đón nhận sự ra đời của 3 cháu: Đức, Tín và Minh. Dù đến với nhau trong cái đói, cái khổ nhưng anh chị vẫn luôn yêu thương nhau, bảo ban nhau cố gắng làm ăn, lao động để tương lai các con đỡ khổ.
Bà Ngọc rưng rứng nước mắt khi kể về nỗi bất hạnh đến với 3 đứa cháu nội tội nghiệp. Bên cạnh là cháu Minh mới 4 tuổi với đôi mắt trong sáng, gương mặt ngây thơ chưa hiểu chuyện. |
Cuộc sống của hai vợ chồng chỉ dựa vào vài sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhưng cũng không đủ ăn. Ngoài những ngày quần quật làm việc ở đồng, sau mùa vụ, anh Thịnh lại đi làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập, mong đủ tiền đong bát gạo, mua ít thức ăn trang trải cuộc sống hàng ngày.
Tưởng chừng cuộc sống khó khăn nhưng ấm êm, hạnh phúc ấy sẽ mãi kéo dài, nhưng năm 2011, tai họa bất ngờ ập xuống gia đình nghèo, anh Thịnh trên đường đi làm phụ hồ đã bị tai nạn giao thông và qua đời, để lại mình chị Nga cùng 3 đứa con thơ dại, lúc ấy cháu Minh vừa tròn 10 tháng tuổi. Chồng mất, chị Nga cùng mẹ già và 3 con nhỏ chỉ biết nương tựa vào nhau để tiếp tục cuộc sống.
Nhưng số phận thật quá trêu ngươi, chịu tang chồng chưa đầy một năm, tháng 5/2012, chị Nga phát hiện sức khỏe ngày càng yếu dần đi, không còn sức để lao động như trước. Để yên tâm, chị vay mượn họ hàng một ít tiền đi bệnh viện thăm khám. Và rồi nỗi bất hạnh lại một lần nữa rơi xuống gia đình chị khi bác sĩ cho biết, chị bị ung thư máu. “Vợ chồng nó từ trước đến nay quanh năm làm nông, cái ăn hàng ngày lo chưa đủ, nên số tiền để cái Nga đi điều trị là gom góp từ khoản người ta đền bù tại nạn của chồng và bán số gia súc, gia cầm trong nhà”, bà Ngọc rưng rưng nước mắt cho biết.
Cuộc sống gia đình hai bên nội ngoại đều khó khăn, anh em chú bác lại lập nghiệp ở xa và cũng không khá giả nên dường như mọi người không ai giúp đỡ được chị trong hoàn cảnh này. Sau khi bố mất, mẹ bị bệnh, cháu Đức vừa đi học, vừa giúp bà chăm sóc các em và làm việc đồng áng. Tết vừa rồi để chăm sóc mẹ đang điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội), Đức đã phải xin nhà trường nghỉ học. Đến ngày 27 Tết, Đức và mẹ được bệnh viện cho về nhà, nhưng sức khỏe chị Nga yếu dần và ra đi vào ngày mồng 4 Tết.
Sau khi chị Nga mất, phía nhà chùa có đến giúp đỡ, mong muốn được đón một trong 3 cháu về để chăm sóc nhưng cả ba anh em Đức không đi. Ngăn dòng nước mắt lăn dài trên dò má, bà Ngọc chia sẻ: “Người ta cho gạo thì bà nấu cháo rồi ra ngoài vườn hái ít cọng rau thả vào, cả nhà ta cùng ăn. Được ít thì ăn một đọi, nhiều thì ăn hai đọi rồi chúng cháu đi học chứ cháu không đi đâu hết. Nghe chúng nó nói vậy thì làm năng tôi để cháu nó đi được hả cô chú. Nhiều lúc đang chơi một mình, cháu Minh lại đi đến đứng bên bàn thờ vợ chồng thằng Thịnh khóc: Bố ơi, mẹ ơi, bố mẹ đi đâu cho con đi theo với. Những lúc đó lòng tôi đau quặn nhưng chỉ biết hỏi vu vơ rồi bế cháu vào bên trong nhà".
Bà Ngọc và cháu Minh bên bàn thờ chị Nga đang nghi ngút khói hương. |
Được biết, hiện tại gia đình đang nợ 40 triệu đồng, đây là số tiền vay mượn bà con hàng xóm để đưa chị Nga đi điều trị. Giờ cái ăn hàng ngày đối với bà cháu Đức còn lo chưa nổi, không biết bao giờ mới trả hết số nợ. Số ruộng đất giờ phải gửi người ta cày cấy để sau này khi anh em Đức trưởng thành còn có đất mà kiếm miếng cơm, manh áo chứ với sức lực hiện tại, bà Ngọc không thể lao động được. Tài sản đáng giá nhất hiện giờ của 3 bà cháu chỉ có con bê đang nhốt ngoài chuồng.
Dù khó khăn, cực nhọc nhưng bà Ngọc vẫn cố gắng vay mượn để các cháu được đến trường học lấy con chữ. Trường cách nhà 8 cây số, hàng ngày, hai cháu Đức và Tín đều phải dậy sớm đạp xe đi để kịp giờ vào lớp. Còn cháu Minh thì được bà nội đưa đi, nhưng sáng hôm chúng tôi đến, trời mưa, đường tới trường trơn trượt, bà Ngọc đi lại khó khăn nên đành để cháu Minh phải nghỉ học ở nhà.
Anh Phan Như Luận, một cán bộ xã Sơn Long cho biết: “Hiện tại gia cảnh của các cháu rất khó khăn, các tổ chức trong xã cũng có đến đông viên, thăm hỏi. Những ngày lễ, tết chúng tôi cũng có một ít món quà gửi đến giúp đỡ các cháu nhưng vì ở đây bà con trong xã cũng nghèo nên chẳng giúp được gì nhiều. Nguy cơ đói và thất học của các cháu là rất cao, chúng tôi cũng không biết làm cách nào để phụ giúp thường xuyên được cho mấy bà cháu, chỉ mong sao các nhà hảo tâm mở rộng lòng thương, kẻ ít người nhiều chia sẻ khó khăn cho bốn bà cháu trong cơn hoạn nạn”.
"Tuổi thơ của các cháu đã quá vất vả và thiếu thốn về tình cảm, vật chất rồi. Thân tôi giờ đã già không biết sẽ chết lúc nào, chỉ mong sao các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ để các cháu có bát cơm ăn, để không phải thất học, nếu không đến khi nhắm mắt tôi cũng không yên lòng...”, câu nói của bà Ngọc và hình ảnh về những đôi mắt ngây thơ, trong sáng của ba anh em Đức khiến chúng tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Không biết rồi đây, tương lai các em liệu có tươi sáng, sự học có được tiếp tục...
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: - Bà Đoàn Thị Ngọc Xóm 2, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ĐT: 01654005731 - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung. |