Báo Tin tức ngày 3/12 đưa tin, ngày 3/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thời kỳ thanh tra kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 2007 đến năm 2017, gồm các nội dung: Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch, chấp hành chính sách pháp luật về kinh doanh và đầu tư du lịch, cổ phần hóa doanh nghiệp du lịch.
Đối tượng thanh tra gồm Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: TTCP
Tờ Tuổi trẻ cho biết, kết luận thanh tra vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy hàng loạt vi phạm đã xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện các dự án sân golf.
Theo đó, khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô có nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô.
Nhà đầu tư đã thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện đầu tư dự án số tiền 19 tỉ đồng. Do có sự thay đổi nhà đầu tư góp vốn, tỷ lệ góp, tính đến ngày 31-7-2018 các doanh nghiệp đầu tư đã tiến hành góp được 57,9 tỉ đồng (khoảng 18% vốn điều lệ).
Sau thời gian được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 2 vào tháng 11-2010 với tổng diện tích sử dụng đất 292 hecta, do vướng mắc trong việc sân golf chưa được bổ sung vào quy hoạch nên công tác giải phóng mặt bằng chưa được triển khai.
Năm 2017, UBND huyện Phú Lộc đã ban hành các thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại 4 đợt, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên tới thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nhà đầu tư vẫn chưa tiến hành khởi công công trình.
Thanh tra Chính phủ khẳng định dự án chậm tiến độ khởi công theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 là 14 tháng. Đáng chú ý, trong cả 2 lần cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, dự án đầu tư xây dựng sân golf 27 lỗ chưa được lập, chưa được thẩm định, phê duyệt và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
"Từ ngày được bổ sung quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm thanh tra đã 50 tháng nhưng dự án đầu tư xây dựng sân golf 27 lỗ chưa được triển khai xây dựng, vượt quá thời gian quy định", kết luận nêu.
Dự án khu tổ hợp resort Sông Giá ở TP Hải Phòng do Công ty TNHH Huyndai E&C Vina Sông Giá làm nhà đầu tư.
Theo kết luận, UBND TP Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết sân golf và khu nghỉ dưỡng tổng hợp trong khi sân golf trong dự án chưa có trong quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt; không thực hiện việc nghiên cứu điều chỉnh cục bộ kịp thời cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế theo quy định.
"Việc lập quy hoạch, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch đối với dự án của các cơ quan tham mưu, UBND TP Hải Phòng chưa tốt, dẫn đến trong quá trình thực hiện quy hoạch (3 năm) đã phải điều chỉnh quy hoạch, đồng thời phải thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 8.
Bên cạnh đó, Hải Phòng chưa thực hiện đôn đốc, gia hạn đối với dự án chậm tiến độ, chưa thực hiện thu hồi đất theo thẩm quyền quy định", kết luận nêu.
Khu quần thể sân golf và các dịch vụ đi kèm tại tỉnh Thừa Thiên Huế do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư. Thanh tra phát hiện công tác kiểm đếm, phê duyệt thanh toán đền bù giải phóng mặt bằng triển khai chậm và kéo dài gần 4 năm.
Tại thời điểm thanh tra, dự án đang bị chậm tiến độ hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 khoảng 12 tháng theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần hai.
Tương tự, tại các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp Mai House Hội An, dự án sân golf Indochina Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, cơ quan thanh tra kết luận có một số vi phạm chậm tiến độ hoặc hưởng ưu đãi thuê đất không đúng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND 9 tỉnh, thành phố kiểm điểm theo quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân có trách nhiệm liên quan; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được thanh tra chỉ ra.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm tại nhiều dự án du lịch như dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Thanh tra Chính phủ xác định thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu thì dự án chưa được HĐND TP Hà Nội thông qua.
UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất cho Bitexco thuê để xây dựng khách sạn JW Marriot Hà Nội, bao gồm diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn và diện tích mặt nước chưa đúng diện tích theo quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia được phê duyệt.
Cùng với đó, việc xác định dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo danh mục kèm theo Nghị định 108/2006 giai đoạn trước năm 2014 là không đúng quy định. Vì vậy, nhà đầu tư phải nộp bổ sung số tiền thuê đất là 26,2 tỉ đồng.
Từ những vi phạm đã nêu, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội để phù hợp với diện tích đất, diện tích mặt nước thực tế.
Đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng của TP yêu cầu Tập đoàn Bitexco nộp bổ sung tiền thuê đất 26,2 tỉ đồng; xác định và thu tiền chậm nộp (nếu có) đảm bảo không thất thoát ngân sách nhà nước.
UBND TP Hà Nội cũng phải tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo quy định pháp luật có liên quan đến hai vi phạm. Thứ nhất, xác định chưa chính xác số lượng lao động thường xuyên năm 2013-2014 của Khách sạn JW Marriott Hà Nội để Tập đoàn Bitexco hưởng ưu đãi đầu tư không đúng quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, tham mưu, ban hành quyết định thu hồi đất cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh thuê để xây dựng Khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó khu khách sạn kết hợp sân vườn có diện tích 57.103 m2 và diện tích mặt nước 21.624 m2 chưa đúng diện tích theo quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Tương tự, tại dự án ở Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ xác định đến nay chưa giải quyết dứt điểm diện tích đất 8.600 m2 có liên quan đến Trường sỹ quan phòng hóa thuộc Bộ Quốc phòng; chưa giải quyết các tồn đọng trong việc thanh toán kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 16 hộ dân tại khu vực cổng B Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam của giai đoạn từ năm 2004 trở về trước.
Cùng đó là việc chưa lập phương án khảo sát, xác định yêu cầu, quy mô đền bù giải phóng trong phần diện tích đất khoảng 68 ha tại khu G2 (khu tái định cư, nông trường) theo quy hoạch, để các hộ dân tiếp tục nuôi trồng, phát triển nông nghiệp.
Việc ký hợp đồng cho thuê đất giữa Ban Quản lý Làng văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam và Công ty cổ phần Devyt (Dự án khách sạn Hải cảng Đồng Mô) không đúng thẩm quyền theo Nghị định 46/2014, Thông tư 77/2014 và Thông tư 333/2016 của Bộ Tài chính.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ VH-TT&DL hướng dẫn nhà đầu tư của dự án Khách sạn Hải cảng Đồng Mô (Công ty cổ phần Devyt) làm việc với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan để hoàn thành các thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Từ những sai phạm nêu ra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND 9 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) kiểm điểm theo quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân có trách nhiệm liên quan; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được thanh tra chỉ ra.
Hoa Vũ (T/h)