Trái thanh trà nhỏ và không mọng nước như bưởi nhưng lại thơm ngon, vừa ngọt thanh, mát lành lại đượm vị.
Cố đô Huế vốn nổi tiếng với nhiều đặc sản nức lòng du khách thập phương. Ngoài cơm hến, tôm chua, bún bò, mè xửng, bánh canh, bánh bột lọc… còn có một thứ quả còn được nâng lên tầm thương hiệu của vùng đất này, đó là quả thanh trà.
Thanh trà được trồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, điển hình như các vùng Thủy Biều (Thành phố Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Trong đó, thanh trà Thủy Biều được đánh giá là thơm ngon hơn cả.
Quả thanh trà (Ảnh: Nông Nghiệp Sạch) |
Thanh trà Thủy Biều là đặc sản nổi tiếng ở Huế đã hàng trăm năm nay. Thuở xưa Thanh trà là đặc sản tiến vua. Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, trái thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên - đều được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua.
Ngày nay, quả thanh trà trở thành biểu tượng đặc trưng của cố đô Huế. Cứ mỗi độ tháng 7 Âm lịch thì những vườn thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, tỏa hương thơm dịu. Mùa thu hoạch thanh trà chỉ kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm.
Nhìn bên ngoài, trái thanh trà khác với các loại bưởi. Thanh trà nhỏ hơn, có hình thon giống quả lê, da màu vàng nắng chứ không xanh. Trọng lượng quả nhỏ, trung bình khoảng từ 0,7kg đến 1kg.
Bù lại, quả có cùi thơm, múi vàng trong; tuy không mọng nước như một số loại bưởi nhưng lại cho vị ngọt thanh, thơm dịu, mát họng, ăn một lần có thể nhớ mãi.
Những vườn thanh trà cứ độ tháng 7 Âm lịch bắt đầu chín thơm. (Ảnh: Nông Nghiệp Sạch) |
Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ quả cho tới lá, hoa. Nhiều người nhận xét vị ngon đặc biệt của quả bắt nguồn từ sự đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm xứ Huế cộng với chất đất bãi bồi và nguồn nước sông Hương mát lành. Vì thế nên mới tổng hòa được vị quả ngon đặc trưng, khó lẫn.
Thanh trà ngon là những trái vỏ mỏng, láng bóng và mang màu nắng. Nhờ ít nước nên thanh trà Huế có thể để dành ăn vài ba tháng. Và để càng lâu, quả lại càng ngọt, hương vị đậm đà gần như vẫn được giữ vẹn nguyên.
Ngoài được ăn quả tươi, người xứ Huế còn dùng thanh trà làm các món gỏi, đặc biệt là gỏi mực khô, gỏi tôm… Riêng để làm món gỏi mực khô, người ta đem mực khô nướng xé tơi cho vào chảo, đảo qua lấy hơi nóng, tiếp đó xong cho thanh trà đã tách tép vào. Hỗn hợp trộn đều cùng với chút nước mắm chanh ớt tỏi là đã có một món ăn thanh nhã, đượm vị, đậm chất Huế.
Với giá trị và tiềm năng kinh tế cao, thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2014, thanh trà Thủy Biều đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong 5 đặc sản Thừa Thiên - Huế xác lập kỷ lục châu Á.
Hiện thanh trà là một loại trái cây quý để làm quà tặng của người dân xứ Huế, là món hàng đặc sản để phục vụ khách du lịch, đồng thời cũng là món ăn biểu trưng đặc biệt của văn hoá ẩm thực cố đô. Ngoài ra, nông sản này cũng đã được chương trình Nông Nghiệp Sạch – một chương trình do Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp chỉ đạo, phát sóng trên VTV1 vào 18h20 hàng ngày – giới thiệu rộng rãi, với hi vọng sẽ giúp cho sản vật nổi tiếng của đất cố đô được ngày càng nhiều người tiêu dùng biết tới.
Người quan tâm tới sản phẩm có thể liên hệ Fanpage chương trình Nông Nghiệp Sạch (https://www.facebook.com/nongnghiepsachtv/) hoặc đường dây nóng 024 6027 8460 để biết thêm thông tin chi tiết.