Theo Tencent News, ngôi nhà của Li Shu (29 tuổi, ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) là một cái lều đặt ở bãi đỗ xe cũ tại địa phương trong suốt 200 ngày. Câu chuyện của nam thanh niên thất nghiệp đã dấy lên cuộc tranh luận của cư dân mạng về văn hóa “nằm yên” và sức hấp dẫn ngày càng tăng với giới trẻ nơi đây.
Được biết, "nằm yên" là lối sống con người chỉ làm những điều tối thiểu để sống mà không phấn đấu đạt những mục tiêu hoặc thành tựu lớn hơn.
Nơi ở đầy gạch đá và phế thải xây dựng của Li Shu bị mọi người ví như “bãi rác”. Mặc dù không có món đồ giá trị nhưng bên ngoài chiếc lều màu cam, anh vẫn treo biển nhắc nhở những người đi qua tôn trọng, không chạm vào đồ của mình.
Toàn cảnh ngôi nhà "di động" của Li Shu. Ảnh: Li Shu
"Nếu bạn muốn tôi chuyển đi chỗ khác, hãy gọi cho tôi. Tôi chỉ sống ở đây tạm thời thôi. Nếu tôi có gây ảnh hưởng tới bạn, tôi sẽ xin lỗi và rời đi ngay lập tức", anh viết.
Ngôi nhà di động trị giá 400 NDT (khoảng 1,3 triệu đồng) là tài sản lớn nhất của Li Shu. Ngoài ra, anh chỉ có 2 bộ quần áo rách, một cái bếp để nấu ăn, một chiếc nồi nhôm và ít thực phẩm. Tuy cuộc sống cùng cực nhưng Li Shu cho hay anh rất hài lòng với cuộc sống tại bãi đỗ xe bỏ hoang.
Trước đó, khi tiền tích kiệm đã cạn sạch, không thể trả tiền thuê nhà, anh đã có ý tưởng sống ngoài trời. Anh quyết định bán tất cả tài sản của mình, bao gồm máy ảnh và máy tính, sống tại ngôi nhà màu cam với 4.500 NDT (khoảng 15 triệu đồng).
Sau khi nghỉ việc vào cuối năm 2018, Li Shu chỉ ở trong căn hộ thuê, không hề tương tác với xã hội. Về sau, anh nhận ra rằng, nếu cứ tiếp tục sống như vậy thì anh sẽ tiêu hết tiền tiết kiệm. Vì thế, Li Shu đã cắt giảm chi tiêu xuống 10 NDT (khoảng 33.000 đồng) mỗi ngày
Bữa ăn gồm có mỳ xào trứng và bắp cải luộc của nam thanh niên. Ảnh: Li Shu
Dù sống trong cảnh khốn khó, hàng ngày anh vẫn cố gắng tự nấu các món bánh trứng khoai tây, mỳ, bánh bao và lẩu bò. Li Shu phải đi một đoạn đường xa để tìm nước và sạc pin cho điện thoại nhưng anh cảm thấy đó không phải là vấn đề.
Sau khi được chia sẻ, câu chuyện về cuộc sống của Li Shu lan truyền trên mạng và gây nhiều tranh cãi. Có người ủng hộ khi cho rằng không có các sống nào là đúng hay sai, chỉ cần Li Shu thích là được.
Trong khi đó, nhiều người bày tỏ sự quan ngại với Li Shu, nghĩ rằng sống như vậy quá khổ, thậm chí tò mò liệu anh có trải qua chấn thương nào hay không. Nam thanh niên phủ nhận chuyện này và khẳng định đó là sự lựa chọn của bản thân.
Những người bạn thân thiết nhất muốn cung cấp chỗ ở và vốn cho Li Shu kinh doanh nhưng anh cũng từ chối và khẳng định mình cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
"Khi dám từ bỏ những mục tiêu xa vời, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên và thích nghi được với việc thay đổi hoàn cảnh. Tôi thấy rất ổn với cuộc sống này", Li Shu chia sẻ.
Trước đó, câu chuyện của Yafei - con trai bà Gao ở quận Kiến An (thành phố Hứa Xương, Trung Quốc) từng gây xôn xao cộng đồng mạng. Cụ thể, bà Gao đã 60 tuổi nhưng vẫn phải chật vật kiếm tiền để chu cấp cho cậu con trai không chịu đi làm, không hẹn hò hoặc có ý định kết hôn.
Ở tuổi trưởng thành, Yafei lẽ ra phải đi tìm việc làm, kiếm tiền và phụng dưỡng bố mẹ già yếu nhưng anh chọn "ở nhà cho yên tâm". Chứng kiến sự vất vả của bố mẹ, anh không hề hổ thẹn, thậm chí còn thờ ơ để mặc.
Vợ chồng bà Gao và con trai 27 tuổi thường xuyên xảy ra tranh cãi đến mức tổ công tác xã hội của địa phương phải đến nhà hòa giải, trang 163 đưa tin.
Yafei không ra ngoài làm việc, chỉ ở nhà để cha mẹ chăm sóc
Người mẹ kể rằng, từ khi Yafei còn nhỏ, vì bận bịu công việc ở xa nên vợ chồng bà đã giao anh cho bà ngoại chăm sóc. Bà ngoại chiều chuộng cháu hết mực, Yafei có được mọi thứ anh muốn, thích gì làm nấy.
Mối quan hệ giữa vợ chồng bà Gao với con trai lúc này đã rạn nứt. Yafei trách cứ bố mẹ vì bỏ mặc mình suốt thời thơ ấu, đôi bên thường xuyên xảy ra cãi vã.
Theo bà Gao, ngoài sự chiều chuộng quá mức của bà ngoại, việc bố mẹ không quan tâm chu đáo đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của Yafei khi trưởng thành.
Nhật Minh (T/h)