(ĐSPL) - Báo Pháp Les Echos số ra ngày 29/9 nhận định rằng Tổng thống Putin đã giành “thắng lợi chiến thuật” ở Ukraine, nhưng chưa chắc thắng về chiến lược.
|
Tổng thống Putin đã thắng về chiến thuật và làm chủ tình thế ở Ukraine. |
Từ nhiều tháng nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin ấn định các lịch trình tại Ukraine và chưa bao giờ được lòng dân như lúc này. Thế nhưng, đình chiến giữa Kiev và phe nổi dậy chỉ là một thành công tương đối.
Báo Les Echos xác nhận thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hôm 5/9 vừa qua tại Minks là một thất bại quân sự rõ ràng của Kiev. Thỏa thuận ký kết để thảo luận về quy chế đặc biệt cho các vùng đông-nam Ukraine với sự có mặt của phe nổi dậy cho thấy thắng lợi phần nào về chiến thuật của Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, về lâu về dài, Nga sẽ mất Ukraine - chủ bài chính cho giấc mơ Liên minh Âu-Á của ông Putin. Trên chính trường quốc tế, uy tín của tổng thống Nga cũng đang bị giảm sút.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang trong một thế mạnh. Giờ ông chỉ việc ngồi chờ thời, chờ đợi kết quả bầu lập pháp tại Ukraine vào ngày 26/10 tới, với hy vọng một Maidan thứ ba sẽ xảy ra. Đối mặt với một Tổng thống Ukraina Petro Porochenko bị suy yếu, rõ ràng ông Putin đang làm chủ tình hình. Chỉ cần đợi Ukraine bị nhấn chìm trong khủng hoảng kinh tế và mùa đông đang sắp tới, Gazprom sẽ bước vào bàn thương lượng trên thế mạnh.
Theo báo Les Echos, Châu Âu cũng phải chịu trách nhiệm một phần về việc ông Putin làm chủ được tình thế ở Ukraine. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Brussels đã không biết triển khai với Nga các thỏa ước về an ninh, kèm theo vế chính trị, kinh tế và năng lượng. Các thỏa ước đó có thể giúp giải quyết những bất đồng giữa Châu Âu và Nga. Nó cũng cho phép tránh được cái bẫy “trừng phạt lẫn nhau”. Cho dù Mỹ và Châu Âu có lý giải được việc trừng phạt ông Putin vì Nga sáp nhập Crimea và vai trò của tổng thống Nga tại miền đông Ukraine, nhưng đối với giới doanh nhân đây lại một điều khó hiểu.
Các lệnh trừng phạt không những không giải quyết được xung đột mà cũng không làm suy yếu được vị thế của Tổng thống Putin. Rõ ràng, Nga và Phương Tây đã “bắn vào chân lẫn nhau”, bằng chính các lệnh trừng phạt. Phương Tây mất thị trường tiêu thụ, còn Nga thì bị mất nguồn tài chính, công nghệ và đầu tư. Nước Nga bắt đầu khủng hoảng: tăng trưởng giảm mạnh đang đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái, lạm phát tăng vọt và tiêu dùng giảm sút.