(ĐSPL) - Theo chia sẻ của một chuyên gia xây dựng, mô-típ kiến trúc các quán karaoke ở Việt Nam hiện nay là kiểu "thiết kế tự sát". Cả ngôi nhà hình ống bị bịt kín, lối vào là đường thoát duy nhất nhưng cũng chính là "cửa tử".
Kỳ 1: Mục sở thị "cửa tử" trong những quán hát..."độc đạo"!
Một vụ cháy nhỏ nhưng có đến 5 người tử nạn. Năm xe chữa cháy đã được điều động tới hiện trường nhưng chỉ biết đứng từ xa do không thể tiếp cận được đám cháy. Lính cứu hỏa phải đeo mặt nạ phòng độc, đột kích vào trong căn nhà bằng cách duy nhất là đập vỡ cửa kính. Đứng giữa sự sống và cái chết, nhân viên của quán chỉ biết chọn cách sinh tồn nhờ "làm đuốc sống" vượt qua biển lửa hoặc phá ban công vượt sang nhà hàng xóm. Pháp luật bỏ ngỏ quy định bắt buộc có lối thoát hiểm nên hầu hết các quán karaoke đều chỉ có một đường thoát duy nhất, có lẽ là đâm đầu vào... "cửa tử".
Theo chia sẻ của một chuyên gia xây dựng, mô-típ kiến trúc các quán karaoke ở Việt Nam hiện nay là kiểu "thiết kế tự sát". Cả ngôi nhà hình ống bị bịt kín, lối vào là đường thoát duy nhất nhưng cũng chính là "cửa tử". Đó là chưa kể, nhiều quán hát nằm len lỏi trong những ngõ nhỏ, xe chữa cháy cũng chỉ biết loay hoay đứng nhìn do không tiếp cận được. Thế nên, việc xảy ra vụ cháy dẫn đến chết người, kể cả do ngạt khí hay giẫm đạp nhau vì không có lối thoát chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
|
Quán karaoke Nhật Thực (Giảng Võ, Hà Nội) cháy hôm 3/5 khiến 5 người chết. |
Thâm nhập quán karaoke "ổ chuột"
Nhân dịp đất nước thống nhất, mấy đứa bạn thân của tôi rủ nhau đi đánh chén một trận thịt dê ra trò. Sau khi đã ngà ngà hơi men, cả đám rủ nhau đi hát karaoke. Một anh bạn nêu ý kiến, vào các ngày lễ lớn, hầu hết quán karaoke sang trọng đều đã có người "đặt gạch" hết. Anh này bèn dẫn chúng tôi đến một quán hát nằm khuất trong một con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau ở khu vực gần phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội).
Theo quan sát của PV, tầng 1 được tận dụng làm một phòng hát chung, rộng chừng 20m2. Vì muốn có không gian riêng, chúng tôi tìm lên tầng 2. Cầu thang lên tầng 2 nhỏ hẹp đến độ hai người đi ngược chiều phải nghiêng mình mới lách qua được. Vì diện tích kinh doanh chật hẹp, chiếu nghỉ đồng thời là gác xép tầng 1 được bố trí làm phòng kỹ thuật, nơi để máy móc cho nhân viên phục vụ điều chỉnh bài hát cho khách. Cũng như tầng 1, diện tích trên tầng 2 khoảng chừng 20m2 (tính cả phòng vệ sinh) được chia thành hai phòng hát. Chúng tôi quyết định chọn phòng lớn cho rộng rãi. Tuy nhiên, khi cánh cửa phòng khép lại, tôi có cảm giác như mình vừa bị giam vào bốn bức tường chật hẹp, mặc dù điều hòa nhiệt độ đã được bật hết công suất nhưng cảm giác bí bức đến ngột ngạt. Dân chơi thỏa sức "đốt" thuốc lá, trong khi không thấy bóng dáng của bình chữa cháy cũng như các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Cả khoảng không gian chật hẹp ngột ngạt khói thuốc pha lẫn tiếng nhạc sàn inh ỏi.
Cũng theo quan sát, xung quanh bốn bức tường dán kín đệm mút, bên trong có xốp cách âm. Chứng kiến hình ảnh trên, chúng tôi tự nhủ, nếu hôm đó có xảy ra hỏa hoạn, không biết những người trong phòng hát trên tầng 2 làm cách nào để thoát khỏi thần lửa, khi mà chỉ có một lối đi duy nhất rất nhỏ xuống tầng 1. Vì sao khách hàng vẫn tìm đến những quán hát karaoke "ổ chuột" kiểu này để giải trí, có lẽ là do giá cả ở đây hợp lý, hay đơn giản chỉ vì nó nằm trong ngõ hẻm nên tránh được sự chú ý của cơ quan chức năng (?!)
Lần khác, tôi đến dự sinh nhật anh bạn thân học cùng thời THPT tại một quán hát karaoke bình dân nằm ở khu vực Kim Liên, quận Đống Đa. Quán này có vẻ sang trọng hơn chút đỉnh so với quán tôi kể trên, vì chỗ nào cũng treo rèm vải màu xanh thẫm. Bên trong khiến ta có cảm giác đang ở trong một phòng ngủ kín đáo, mà ánh sáng không thể lọt vào được. Chủ quán karaoke mồm năm miệng mười quảng cáo, phòng hát tuy nhỏ nhưng có em út chiều tới bến?! Vì là khách "ruột" của quán nên bạn tôi được bà chủ tặng một chiếc bánh ga tô mừng sinh nhật có cắm nhiều cây nến đang cháy lung linh. Đèn phụt tắt, 5 ngọn nến cháy xè xè, bia được khui hết cỡ như chưa từng được "thả phanh" như thế.
Thế nhưng, một sự cố đã xảy ra khi mảnh rèm cửa bay vào chỗ nến đang cháy. Khói bốc lên nghi ngút, rất may, ở góc bàn có để sẵn xô đá (dùng để uống bia - PV), một anh bạn nhanh trí dùng xô nước đá dập tắt ngay đám cháy khi nó vừa bùng phát. Cả bọn được một phen hú vía, ai nấy sợ tái xanh mặt mày. Sau khi hoàn hồn, chúng tôi hỏi chủ quán xem ở đây có trang bị bình chữa cháy không, chị này đáp hồn nhiên: "Ở đây có xảy ra cháy nổ bao giờ đâu mà phải dùng bình chữa cháy!". Lúc này, chúng tôi mới có dịp quan sát quanh phòng hát và ngoài hành lang, tuyệt nhiên không thấy treo bình chữa cháy, dây điện chạy loằng ngoằng. Đó là chưa kể, quán hát nằm sâu trong ngõ nhỏ, nếu hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa không thể vào được. Nghĩ mà thấy hú vía!
|
Thảm họa được báo trước từ những quán karaoke thiết kế kiểu "bịt kín". Ảnh T.L. |
Sống chết mặc cả... chủ lẫn khách
Không khó để nhận thấy, thời gian gần đây, số lượng các quán bar, karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gia tăng đáng kể. Chỉ cần dạo quanh một số tuyến phố như Nguyễn Khang, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng, Hồ Tùng Mậu... không khó để bắt gặp các quán karaoke mọc lên san sát, thường xuyên lòe loẹt ánh đèn. Lượng khách ra vào các điểm vui chơi, giải trí này luôn nườm nượp nhất là vào các buổi tối cuối tuần, dịp nghỉ lễ, tết. Không phủ nhận việc gia tăng các điểm kinh doanh karaoke đã góp phần đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận không nhỏ người dân. Tuy nhiên có một thực tế tồn tại là công tác phòng cháy chữa cháy tại nhiều cơ sở đang bị bỏ ngỏ. Dù quy định cấp phép kinh doanh tương đối chặt chẽ với rất nhiều điều khoản ràng buộc nhưng chẳng hiểu vì sao khi thực hiện tỉ lệ cơ sở chấp hành chỉ đếm trên đầu ngón tay?
Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, đường Chùa Láng, đoạn từ Nguyễn Chí Thanh đến đại học Ngoại Thương chỉ dài khoảng vài trăm mét nhưng có đến 12 quán karaoke hoạt động, gồm đủ chủng loại, từ VIP cho đến... bình dân. Điểm chung của những quán hát này là đều được xây dựng theo hình ống, thiết kế gần như bịt kín. Quán hát D.C. gồm gần chục phòng hát nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang bộ cho khách đi lên phòng, và có lẽ cầu thang duy nhất này cũng sẽ là lối thoát hiểm duy nhất nếu như xảy ra sự cố.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy, phố Nguyễn Khang cũng nhanh chân phát triển thành khu "vui chơi giải trí" số 1. Hàng chục quán bar, karaoke mọc lên với quy mô ngày càng lớn. Bản thân chúng tôi cũng từng nhiều lần hát tại đây và quả thực, nếu không được tiếp viên dẫn đường, khó mà tìm được lối ra. Cả quán hát chẳng khác gì mê cung bởi hệ thống phòng ốc loằng ngoằng, lối đi lại nhỏ hẹp. Nếu chẳng may xảy ra sự cố gì, khách hàng rất khó để tìm cách thoát ra.
Cũng theo khảo sát của PV, tại một số quán karaoke cao tầng, chủ quán đã thu hẹp lối cầu thang bộ thoát hiểm để dành đất cho việc xây dựng thang máy, tận dụng diện tích đường thoát hiểm vào việc bày biện bàn rượu, "cất" dụng cụ chữa cháy để tạo không gian đẹp cho khách thỏa sức vẫy vùng... mà nào biết rằng, những việc làm trên đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Và rồi, khi có hỏa hoạn, hiểu ra thì đã quá muộn.
Kiểm tra toàn diện công tác cháy nổ tại quán karaoke Theo đánh giá của sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 76 vụ cháy, nổ làm 3 người chết; 11 người bị thương. Đáng chú ý, địa bàn nội thành Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng... nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh bar, karaoke xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn với 47 vụ. Được biết, sau sự cố cháy quán karaoke Nhật Thực (Giảng Võ, Đống Đa) khiến 5 người tử nạn, sở Cảnh sát PCCC đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các quận, huyện kiểm tra toàn diện về công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ tại các quán karaoke. Nếu quán nào vi phạm không đảm bảo tiêu chuẩn, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu đình chỉ hoặc dừng hoạt động. |
Kỳ 2: Công nghệ tạo "cảm giác mạnh" trong những quán karaoke "tử thần"