Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thái Nguyên: Phát triển nội lực nền kinh tế – Chìa khóa cho tăng trưởng hai con số

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Để đạt được mục tiêu phấn đấu thực hiện tăng trưởng đạt từ 10,5% trở lên, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển khu vực nội lực là một nhiệm vụ cấp thiết, đóng vai trò quan trọng để địa phương phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Đột phá của đột phá

Ngày 5/2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.

Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GRDP của địa phương theo chỉ tiêu của nghị quyết này.

Mục tiêu GDP 2025 cả nước trên 8% tạo đà tăng trưởng hai con số

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên xác định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích và cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng để tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025 là 8,5% và chỉ đạo phấn đấu thực hiện tăng trưởng đạt từ 10,5% trở lên (cao hơn 2,5% so với chỉ tiêu Chính phủ giao).

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo để đôn đốc thực hiện các nhóm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 tỉnh Thái Nguyên đạt 10,5% trở lên;...

Trong 4 tháng đầu năm 2025, do biến động khó lường của thị trường thế giới nên kịch bản tăng trưởng của tỉnh có những điều chỉnh thích ứng, linh hoạt. Nhiều chỉ thị, kế hoạch quan trọng đã được ban hành, trong đó bao gồm các lĩnh vực như bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hút đầu tư, phát triển thương mại điện tử và đẩy mạnh các dự án hạ tầng quan trọng.

Với tinh thần chỉ đạo "7 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ cách làm, rõ kinh phí) của tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong lộ trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo phấn đấu thực hiện tăng trưởng đạt từ 10,5% trở lên

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng 4 tháng đầu năm 2025 của Thái Nguyên đã đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và đầu tư.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,04%, cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ các ngành công nghiệp mũi nhọn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,9%, là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng. Đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng 91,2% cũng đã ghi nhận hoạt động kinh tế tư nhân nhiều khởi sắc…

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ, cần được gia tăng bù đắp trong những tháng tới, nhất là giá trị xuất khẩu. Ước tính đến nay, giá trị xuất khẩu của tỉnh giảm khoảng 7,57%, điều này phản ánh tình hình khó khăn chung, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.

Kinh tế nội địa đóng vai trò chủ lực

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, thương mại quốc tế ngày càng biến động phức tạp; xu hướng bảo hộ, cạnh tranh thương mại gia tăng, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển khu vực nội lực, trong đó trọng tâm là phát triển lực lượng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên lớn mạnh, đủ năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế là một nhiệm vụ cấp thiết, đóng vai trò quan trọng để tỉnh Thái Nguyên phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gia tăng sức chống chịu trước các biến động, thách thức từ bên ngoài; cùng góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, vững bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo để đôn đốc thực hiện các nhóm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 tỉnh Thái Nguyên đạt 10,5% trở lên

Trong hơn 10 năm gần đây, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khu vực kinh tế trong nước cũng có những bước phát triển quan trọng, tuy nhiên chưa phát huy được đầy đủ tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt là các lợi thế về vị trí địa lý và kết nối giao thương; tài nguyên thiên nhiên; nguồn nhân lực; lịch sử, truyền thống phát triển các ngành công nghiệp;...

“Đây là vấn đề tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm khắc phục nhưng cũng chính là cơ hội, tiềm năng tăng trưởng mới của tỉnh trong giai đoạn tới”, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV Đời sống & Pháp luật, hiện nay, khu vực doanh nghiệp nội địa tỉnh Thái Nguyên đang phát triển tương đối tốt ở một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng như dệt may, khai thác chế biến khoáng sản, luyện kim.

Cụ thể trong năm 2024: sản lượng sản phẩm may đạt 111 triệu sản phẩm; sản lượng vonfram đạt 16,6 nghìn tấn, sản lượng than đạt 1,2 triệu tấn, sản lượng thép đạt 1,3 triệu tấn,...

Xác định vai trò, tầm quan trọng của phát triển khu vực nội lực, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển cộng đồng doanh nghiệp địa phương dựa trên sức mạnh nội lực kết hợp lợi thế ngoại lực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2024, sản lượng sản phẩm may đạt 111 triệu sản phẩm; sản lượng vonfram đạt 16,6 nghìn tấn, sản lượng than đạt 1,2 triệu tấn, sản lượng thép đạt 1,3 triệu tấn,...

Dự kiến mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp, quy mô vốn đăng ký trên 160 nghìn tỷ đồng; 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; hình thành các chuỗi liên kết các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; đảy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ.

Về vấn đề này, trao đổi với PV ĐS&PL, một lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tạo điều kiện cho lực lượng doanh nghiệp địa phương phát triển thuận lợi, tỉnh tập trung vào 3 yếu tố: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Không đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận kinh tế

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Quy hoạch tỉnh Thái nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu: “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc”.

Được biết, Thái Nguyên đang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, bền vững; chuyển dịch từ tăng trưởng nhờ lao động và tài nguyên sang tăng trưởng nhờ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai các Kế hoạch thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững. (Ảnh: Khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên)

Đồng thời, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng trong các dự án đầu tư; phát triển lực lượng doanh nghiệp địa phương mạnh cả về số lượng và quy mô để nâng cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của nền kinh tế, đa dạng hóa động lực tăng trưởng.

Để thực hiện các định hướng trên, tỉnh tập trung thực hiện các đột phá về “Thể chế - Hạ tầng - Nguồn nhân lực” để tạo yếu tố nền tảng, đồng thời thực hiện lựa chọn thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhà đầu tư chiến lược thuộc các ngành, lĩnh vực mới, sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng đất đai, lao động và tài nguyên.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai các Kế hoạch thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững như Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển tín chỉ các-bon với các đơn vị như: Viện Thử nghiệm và Nghiên cứu Hàn Quốc (KTR); Tập đoàn Vingroup; Công ty CP công nghệ - viễn thông Sài Gòn (Saigontel);..

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG

TNG và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn luôn hướng tới tinh thần đổi mới sáng tạo. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Bởi vậy, chúng tôi rất vui mừng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong thực hiện đổi mới sáng tạo. Tin tưởng rằng, với ý chí và quyết tâm, đặc biệt là qua Cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu”, tinh thần đổi mới sáng tạo sẽ lan tỏa, tạo thành động lực quan trọng để Thái Nguyên bứt phá phát triển thịnh vượng.

Thời cơ, thách thức

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhận định, Thái Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng: nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ, trung tâm giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du & Miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ; là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

Với vị trí thuận lợi, Thái Nguyên có tiềm năng trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ du lịch - thương mại tổng hợp, trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của vùng.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản. Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram đa kim, trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, lớn thứ hai thế giới; than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, lớn thứ hai cả nước; quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn…

Cây chè được xem là cây trồng mũi nhọn và cũng là thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ

Ngoài ra, Thái Nguyên còn có quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn; nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao; hệ thống giao thông, kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại và là một trong 3 trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất cả nước…

Đặc biệt, Thái Nguyên có lợi thế rất lớn trong phát triển ngành chè, hiện tỉnh này  đang đứng đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập từ cây chè. Sản phẩm chè Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trên thế giới với chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng được nâng lên.

Nhận định tỉnh Thái Nguyên đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, song ĐBQH Phạm Văn Hoà cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 trên 8% nói chung và mục tiêu tăng trưởng đạt từ 10,5% trở lên của tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều thách thức.

“Năm 2025, Việt Nam thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy nên có thể bước đầu chưa vận hành trơn tru. Bên cạnh đó, dù chưa có kết quả trong việc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, thế nhưng động thái trên của Mỹ  cho thấy một trong những trụ cột cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 là đẩy mạnh xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, ông Hoà cho hay.

Chia sẻ về những thách thức phải đối diện, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cũng thừa nhận tỉnh đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Trước tiên là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết tỉnh đang gặp vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tiếp đó là tâm lý e ngại, chưa sẵn sàng của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa khi tiếp cận công nghệ số, còn quen dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông chưa đồng đều cũng là trở ngại lớn đối với mục tiêu tăng trưởng đề ra. Dẫn chứng cụ thể, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết hiện còn 7 thôn, xóm thuộc huyện Võ Nhai chưa có sóng di động do địa hình khó khăn, mật độ dân cư thấp.

“Trong thời gian tới, Thái Nguyên đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Nâng cao nhận thức, hoàn thiện chính sách, phát triển nhân lực số, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số, thúc đẩy ứng dụng trên mọi lĩnh vực, và mở rộng hợp tác quốc tế.

Với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân, Thái Nguyên đặt mục tiêu phát triển theo hướng “Thái Nguyên số, Thái Nguyên xanh, Thái Nguyên hạnh phúc”, từng bước hiện thực hóa kỳ vọng trở thành tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất miền Bắc như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Tin nổi bật