Ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ cúng quan trọng trong dịp trước Tết Nguyên Đán. Theo sự tích dân gian Việt Nam, hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của các gia đình.
23 tháng Chạp là ngày các gia đình Việt Nam cúng tiễn Táo quân chầu trời.
Tết ông Công ông Táo 2022 rơi vào ngày nào?
Năm nay, ngày 23 tháng 12 âm lịch nhằm vào thứ Ba ngày 25/1/2022. Đây là ngày làm việc, do đó nếu muốn cúng đúng ngày, các gia đình phải chuẩn bị chu đáo các lễ vật từ trước cho đỡ cập rập. Một số người có thể cúng tiễn Táo quân chầu trời vào dịp cuối tuần trước đó.
Giờ đẹp cúng ông Công, ông Táo?
Theo Lịch Vạn niên 2022, Ngày 23 tháng Chạp năm 2021 là ngày Mậu Dần, tháng Tân Sửu, tiết Đại hàn. Giờ hoàng đạo ngày 23 tháng Chạp 2021: Tí (23:00-0:59), Sửu (1:00-2:59), Thìn (7:00-8:59), Tỵ (9:00-10:59), Mùi (13:00-14:59), Tuất (19:00-20:59).
Theo quan niệm, táo quân phải có mặt trên Thiên đình trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy, các gia đình cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước giờ Ngọ (từ 11h – 13h) ngày 23 tháng Chạp.
Những sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo
Khi cúng ông Công ông Táo, chỉ nên cầu xin Táo công bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay, không nên cầu xin phú quý hay no đủ.
Sau khi cúng xong, nên thả cá chép ở những nơi sạch sẽ, nước trong. Chỉ thả cá không thả cả túi nilon, thả nhẹ nhàng từ từ.
Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên khi cúng không đốt tiền âm phủ.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ. Việc đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại giấy, xe ôtô giấy... không có lợi ích gì mà chỉ tốn kém tiền và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.
Linh Chi (T/h)