Tây Du Ký là một trong những tác phẩm văn học vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc kể về hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Được biết, trước khi lên đường tu luyện, cả 4 thầy trò Đường Tăng đều là những nhân vật có xuất thân cao quý. Thế nhưng khác với Tôn Ngộ Không và Sa Tăng trước khi lấy kinh phải trải qua nhiều khó khăn, cuộc sống của Trư Bát Giới thời còn trên Thiên Cung vô cùng êm đềm và sung túc.
4 thầy trò Đường Tăng đều mắc sai lầm và bị trừng phạt trước khi lên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Khi ấy, Trư Bát giới vốn không bao giờ phải lo nghĩ tới chuyện sống chết bởi hắn từng được sắc phong là Thiên Bồng Nguyên Soái, hưởng bổng lộc của Thiên Đình, không bị hạn chế tự do cũng như phải chịu bất cứ hình phạt nào. Trong khi đó, 2 đồ đệ còn lại của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không và Sa Tăng đã phải nhận những sự trừng phạt nặng nề như bị giam dưới chân núi 500 năm hay chịu đựng ngàn mũi tên đâm xuyên ngực.
Không những thế, Trư Bát Giới còn có riêng một hang động "chính chủ" ở núi Phúc Linh, giàu có hơn hẳn so với sư phụ và các huynh đệ. Sau khi bị đày xuống hạ giới, Trư Bát Giới được nhận vào gia đình họ Cao giàu có. Khi ấy, hắn cải trang thành một người chạy việc để tiếp cận tiểu thư họ Cao nhưng cũng phần nào giúp đỡ công việc làm ăn của gia đình này nên chưa bao giờ phải lo đói khổ, thiếu đồ ăn.
Trư Bát Giới thậm chí còn được ông bà chủ hứa hôn ước, gả cô con gái xinh đẹp Cao Thúy Lan cho. Trong ngày trọng đại, vì vui mừng, uống quá chén, Bát Giới đã vô tình để lộ hình hài thật khiến Cao gia khiếp sợ.
Trong số 4 thầy trò, Trư Bát Giới có ít "động lực" tu luyện nhất vì bản thân sống cuộc sống sung túc quen, sợ chịu khổ.
Được biết, Sa Tăng và Tôn Ngộ Không cũng có những vùng đất của riêng mình như sông Lưu Sa hay Ngũ Hành Sơn nhưng đây đều là những khu vực vắng vẻ, ít tài nguyên và cuộc sống xa cách loài người. Thậm chí, vì từng đại náo Thiên Cung mà Tôn Ngộ Không còn mất luôn quyền kiểm soát "đại bản doanh" Ngũ Hành Sơn, nơi này sau đó còn bị bỏ hoang nhiều năm.
Theo đó, vì cuộc sống đã đủ đầy và hạnh phúc nên Trư Bát Giới được xem là người có ít "động lực" thỉnh kinh nhất trong số 4 thầy trò Đường Tăng. Khi được Quan Âm khuyên răn đi theo Đường Tăng để có được tiền đồ vô lượng, đắc đạo thành tiên, lão Trư thậm chí còn từ chối vì cho rằng đi thỉnh kinh cực khổ, sợ bị đói, sợ phải tuân theo hàng loạt quy tắc nhà Phật.
Sau này, khi Bồ Tát thuyết phục rằng nếu đi theo thỉnh kinh, đi theo con đường chính nghĩa, hướng thiện thì Trư Bát Giới sẽ có được cơ thể và ngoại hình như mình hằng mong muốn mà không phải cơ thể nửa người nửa heo như hiện tại thì lão Trư mới "xuôi tai" và quyết định lên đường đồng hành của sư phụ và đại sư huynh.
Minh Hạnh (T/h)