Được chuyển từ nguyên tác của tác giả Ngô Thừa Ân, phim Tây Du Ký 1986 đã gây được tiếng vang lớn và trở thành phiên bản phim kinh điển nhất của Tây Du Ký. Một trong những điều làm nên thành công của Tây Du Ký 1986 khi ấy chính là sự đầu tư và sáng tạo của đoàn làm phim trong quá trình ghi hình.
Mới đây, đồng đạo diễn Tây Du Ký 1986, ông Vương Sùng Thu, đã tiết lộ thêm nhiều câu chuyện liên quan tới hậu trường và quá trình sản xuất bộ phim. Đối với bộ phim thần thoại kinh điển như Tây Du Ký, để có thể dựng lên thế giới thần tiên ma quái có Bồ Tát, Phật tổ, yêu tinh nhiều phép thuật, khói là sản phẩm không thể thiếu.
Trong Tây Du Ký 1986, các cảnh khói được thực hiện để tạo độ kỳ ảo của Thiên cung.
Theo đó, xuyên suốt phim Tây Du Ký 1986 có tới 1.000 cảnh khói lửa được thực hiện, với quy mô ừng có trong quá trình sản xuất phim ảnh thời bấy giờ. Để thực hiện được việc này, lượng carbon dioxide và đá khô đoàn phim sử dụng cũng lớn hơn rất nhiều so với những bộ phim bình thường khác vào những năm 1980. Ông Lưu Lễ, chuyên gia phụ trách khói trong phim Tây Du Ký 1986, đã phải sử dụng tổng cộng 2.325 bình carbon dioxide và 3.150kg đá khô.
Đạo diễn Vương Sùng Thu chia sẻ trong khi ghi hình, sản xuất Tây Du Ký, ông Lưu Lễ đã có nhiều sự sáng tạo trong việc sử dụng khói lửa. Trong đó, khói đã được ông sử dụng trong cảnh thần tiên hạ phàm, trên thiên đình khác với khói đặc khi các nhân vật yêu quái xuất hiện.
Đặc biệt, với mỗi yêu quái khác nhau, ông Lưu Lễ đã lựa chọn khói có những màu khác nhau. Ví dụ, trong tập "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", nhân vật Hắc Hồ Tinh xuất hiện trong làn khói màu đen. Trong khi đó, xung quanh Hoàng Phong Quái lại có khói vàng và Hồng Hài Nhi là khói màu đỏ. Chỉ với những tình tiết nhỏ này, Tây Du Ký 1986 càng trở nên đặc sắc hơn trong mắt khán giả.
Tiết lộ cách tạo khói trong hậu trường Tây Du Ký 1986.
Được biết, thời gian sản xuất phim Tây Du Ký 1986, công nghệ và kỹ thuật còn lạc hậu, kinh phí cũng không quá lớn. Trước những khó khăn này, đoàn làm phim đã phải tự sáng tạo sao cho cảnh phim được dựng lên chân thực nhất. Do yêu cầu cao từ nữ đạo diễn Dương Khiết, vợ của Vương Sùng Thu, ông Lưu Lễ phải thường xuyên cải tiến kỹ thuật tạo khói để khói bay ra theo nhiều kiểu khác nhau và thời gian kéo dài hơn.
Ví dụ như khi thực hiện cảnh Tam Thái Tử bay lên từ mặt biển, hóa thân thành Bạch Long để đi theo sư phụ trong, ông Lưu Lễ đã bố trí 4 gói thuốc nổ ở dưới độ sâu 40cm so với mặt nước, sau đó cho phát nổ, tạo nên làn khói và cột sóng trắng chân thực. Ngoài ra, ở tập miêu tả Hỏa Diệm Sơn, để tạo hiệu ứng núi lửa cháy ngùn ngụt hoành tráng, ông Lưu Lễ đã sử dụng sợi vải, xăng và súng phun lửa.
Kỹ xảo này dù thô sơ nhưng lại làm nên sự đặc sắc cho Tây Du Ký 1986.
Minh Hạnh (T/h)