Nhắc đến Tây Du Ký, chắc hẳn nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay đến phiên bản truyền hình năm 1986 kinh điển đã đi vào lòng người snhững năm 1980 - 1990 cho đến 2000, thậm chí đến tận bây giờ nhiều khán giả vẫn không thôi mê mệt tác phẩm chuyển thể của đạo diễn Dương Khiết
Không chỉ bởi Tây Du Ký 1986 đã đồng hành cùng tuổi thơ của rất nhiều người mà còn bởi tạo hình các nhân vật, kỹ năng diễn xuất, phân cảnh và nhạc phim của các nhân vật trong vở kịch này cho đến nay vẫn chưa một phiên bản "remake" nào có thể thể vượt qua được.
Tây Du Ký 1986 đã được phát lại hơn 3.000 lần nhưng vẫn luôn thu hút người xem.
Đặc biệt, trong thời kỳ mà công nghệ và trang thiết bị vẫn còn thô sơ, làm sao để đoàn làm phim có thể thực hiện được những cảnh sống động như vậy luôn nhận được sự quan tâm, tò mò từ người hâm mộ.
Ví dụ trong phim, chúng ta thường thấy Tôn Ngộ Không xuống biển tìm Long Vương hay thầy trò Đường Tăng bị thủy yêu bắt xuống nước, lúc đó Long Cung vì sao có thể lên hình một cách chân thực như vậy?
Trên thực tế, khi quay cảnh Long Cung, đoàn phim ban đầu cũng không có giải pháp nào tốt, bởi vì công nghệ kỹ xảo trên máy tính lúc đó mới xuất hiện và còn rất thô sơ, nên không thể mô phỏng các cảnh quay hiệu ứng đặc biệt dưới nước.
Lúc này, một thành viên trong đoàn làm phim nảy ra ý tưởng, đó là đặt một bể cá cảnh trước ống kính mỗi khi thực hiện cảnh quay dưới nước. Sau đó, tận dụng ống sục khí để gây hiệu ứng bong bóng, tạo cảm giác như đang ở dưới nước cho khán giả xem phim. Trên thực tế, đó chỉ là một cảnh quay trên cạn qua một chiếc bể cá.
Mọi hoạt động dưới Long Cung trong Tây Du Ký đều được thực hiện trong phạm vi một chiếc bể cá.
Điều này cũng đã được xác nhận bởi nhà quay phim Vương Sùng Thu của "Tây du ký" 1986.
Trong một lần giao lưu với người hâm mộ Tây Du Ký qua nền tảng Douyin (TikTok phiên bản Trung), ông Vương đã nhận được câu hỏi "Tại sao các nhân vật không ướt quần áo khi quay phần phim về long cung?
"Haha! Nếu thực sự quay dưới nước sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đặt một bể cá trước ống kính máy quay để tạo hiệu ứng như trong lòng đại dương. Nếu là ở những năm 1980-1990, tôi sẽ không tiết lộ chuyện này đâu. Tuy nhiên, đã gần 40 năm trôi qua rồi, nhiều bí mật thú vị có thể chia sẻ. Đây là thủ pháp quay phim kết hợp giữa hư và thực", nhà quay phim Vương Sùng Thu cho hay.
Video: Hiệu ứng những cảnh quay dưới Long Cung trong Tây Du Ký được thực hiện sau chiếc bể cá. Nguồn: Douyin
Dẫu vậy, việc thực hiện mỗi cảnh quay dưới nước đều rất vất vả, đặc biệt là phải thay đổi bối cảnh liên tục để phù hợp với những phân cảnh chiến đấu và bơi lội.
Ngoài ra, thể tích của bể cá có giới hạn, nên diễn viên khi quay cảnh chiến đấu không chỉ cần chú ý đến biên độ quay phim mà còn phải chú ý không vượt quá phạm vi máy quay.
Tuy nhiên, chính vì sự chăm chút như vậy nên cho dù "Tây Du Ký" có được làm lại nhiều lần với những cảnh kỹ xảo đặc sắc hơn thì vẫn không thay thế được 2 chữ "kinh điển" của phiên bản 1986.
Nhiều khán giả xem phim từng nhận định: "Một tác phẩm kinh điển sẽ mãi là một tác phẩm kinh điển, không chỉ về thời gian, mà còn ở chiều sâu diễn xuất của con người và cách thể hiện của đoàn phim vào thời điểm đó".
Hoa Vũ (Theo Sohu)