Trong Tây Du Ký, vòng kim cô là một bảo vật do Quan Âm Bồ Tát tặng cho Đường Tăng, dặn hành giả sử dụng để kiềm chế thói ngông cuồng, nóng nảy của Tôn Ngộ Không khi 2 thầy trò mới cùng nhau lên đường đi thỉnh kinh. Theo đó, Đường Tăng đã đeo chiếc vòng này lên đầu Ngộ Không, mỗi khi hầu tử không nghe lời hay có hành động gì quá đáng, Đường Tăng sẽ niệm "Định tâm chân ngôn chú" để ngăn cản.
Được biết vòng Kim cô được làm bằng vàng, là bảo bối của Phật Tổ Như Lai truyền cho Quan Âm Bồ Tát cùng với tích trượng và áo cà sa gấm. Bảo vật này là sợi dây gắn kết giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không. Khi đội vào đầu, chiếc vòng sẽ cắm sâu vào da thịt, siết chặt mỗi khi bị niệm chú khiến đau đầu, nhức mắt.
Mỗi khi bị Đường Tăng niệm chú, Ngộ Không "đau tưởng chết đi được, quằn quại lăn lộn, đỏ mặt tía tai, hai mắt trợn ngược, thân mình tê dại". Nỗi đau đớn này được ví như một kiếp nạn con người phải vượt qua trên hành trình tu luyện.
Vòng kim cô là món bảo vật Tôn Ngộ Không ghét cay ghét đắng trong Tây Du Ký.
Chiếc vòng của Tôn Ngộ Không tên gọi là Khẩn cô nhi – nghĩa là quản chặt tâm can - là 1 trong 3 bảo bối của Tam giới và còn có 2 chiếc vòng khác giống như vậy. Trong đó, một chiếc gắn trên đầu Hắc Hùng Tinh (yêu quái Gấu ăn trộm cà sa của Đường Tăng) có tên là Cấm cô nhi, ám chỉ những giới hạn cấm dục của người tu hành. Và chiếc còn lại được đeo cho Hồng Hài Nhi, có tên là Kim cô nhi.
Vòng kim cô đội trên đầu Tôn Ngộ Không tưởng chừng là một sự trừng phạt nhưng thực ra đó là món quà vô giá của Phật Tổ và Quan Âm Bồ Tát tặng cho hầu tử. Bảo vật này đã giúp Ngộ Không thoát khỏi ma tâm để chuyên tu Phật pháp, trở nên lễ độ từ bi, trở thành con người tu Đạo đúng nghĩa, khiêm nhường, khoan dung, hành thiện tích đức.
Vốn là Tề Thiên Đại Thánh không sợ trời không sợ đất nên Tôn Ngộ Không khó có thể chấp nhận việc bị kiểm soát bởi vòng kim cô, đó cũng là lý do hầu tử ghét cay ghét đắng món bảo vật trên. Dù vậy, không thể phủ nhận một sự thật rằng nhờ có vòng kim cô, Tôn Ngộ Không mới có thể chín chắn, bản lĩnh và trưởng thành hơn trong cả nhận thức lẫn hành động trên suốt hành trình thỉnh kinh.
Nhờ vậy, Tôn Ngộ Không mới có thể hoàn thành hành trình thỉnh kinh của mình và được sắc phong làm Đấu chiến thắng Phật. Đáng chú ý, trong 4 thầy trò Đường Tăng, chỉ có Ngộ Không và Đường Tăng là được sắc phong thành Phật, chỉ riêng điều này cũng đủ thấy hầu tử đã thật sự tu thành chính quả và những gian khổ mà Ngộ Không trải qua hoàn toàn xứng đáng.
Minh Hạnh (T/h)