Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Taxi Uber: Liều lĩnh lách luật và những cáo buộc cần làm rõ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mặc dù mới xuất hiện tại Việt Nam từ đầu tháng 7 nhưng dịch vụ taxi Uber đã gây nên những xáo trộn trong thị trường dịch vụ vận tải hành khách.

(ĐSPL) - Mặc dù mới xuất hiện tại Việt Nam từ đầu tháng 7 nhưng dịch vụ taxi Uber đã gây nên những xáo trộn trong thị trường dịch vụ vận tải hành khách. Được nhận định là một dịch vụ vận tải mới lạ, hiện đại, có lợi cho hành khách, tuy nhiên Uber cũng đối mặt với những vấn đề pháp lý làm dấy lên những tranh cãi gay gắt, đặt dấu hỏi lớn về khâu quản lý loại hình dịch vụ mới vừa có mặt tại TP.HCM.

Căn cứ pháp lý để xử phạt

Vừa qua, sở Giao thông Vận tải TP.HCM có kiến nghị bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục đường bộ cần chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của loại hình dịch vụ tạm gọi là “taxi” thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động. Đồng thời, Hiệp hội taxi TP.HCM cũng có kiến nghị gửi đến UBND TP.HCM đề nghị xem xét tính hợp pháp của dịch vụ taxi Uber. Ngay sau những kiến nghị này, Thanh tra sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phối hợp phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM kiểm tra, xử phạt xe ô tô con hoạt động theo mô hình taxi Uber trên địa bàn TP.HCM.

Cơ quan chức năng tiến hành xử phạt taxi Uber.

Trong ngày đầu ra quân, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt 5 ô tô con hoạt động dưới dạng taxi Uber.

Cụ thể, sáng ngày 28/11, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hành chính ô tô màu đỏ do ông Nguyễn Quang Bình (29 tuổi, ngụ Tân Bình) điều khiển, vừa trả khách trên đường Lê Hồng Phong (Q.5. TP.HCM). Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện chiếc ô tô này không có lô gô, biển hiệu nhưng vẫn thực hiện hành vi vận tải hành khách. Những người khách đi trên xe này cho biết, họ đặt xe qua ứng dụng phần mềm Uber và tiền cước đã được thanh toán qua thẻ visa.

Trong buổi sáng cùng ngày, tổ công tác tiếp tục phát hiện và lập biên bản xử lý với các trường hợp tương tự vận chuyển hành khách ở khu vực đường Lê Hồng Phong (Q.5) và Thảo Cầm Viên (Q.1) có thu cước qua thẻ visa. Từ các căn cứ trên, cơ quan chức năng đã xử phạt các tài xế với lỗi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh theo quy định (vi phạm vào điểm C khoản 4, điều 28, Nghị định 171/NĐ-CP). Việc phát triển của loại hình dịch vụ trên đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành taxi truyền thống. Việc kiểm tra, xử lý taxi Uber phần nào giúp các hãng taxi truyền thống yên tâm hoạt động trước sự cạnh tranh chưa lành mạnh, còn mập mờ của dịch vụ này.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia khác ở Đông Nam á cũng không mấy thiện cảm với loại hình kinh doanh taxi Uber. Các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia... còn sử dụng các biện pháp “rắn” nhằm quản lý và cảnh báo hành khách không sử dụng dịch vụ taxi Uber để đảm bảo an toàn cho bản thân, tài sản. Tuy nhiên, động thái này cũng gây bức xúc cho không ít người dân tại các quốc gia Đông Nam á. Theo người dân các nước này, nhiều hãng taxi truyền thống trong nước đã quá cũ kỹ, dịch vụ kém nhưng chi phí lại đắt đỏ nên họ rất háo hức với dịch vụ taxi Uber.

Trên trang giới thiệu dịch vụ, Uber giới thiệu taxi Uber cho phép người dân kết nối trực tiếp với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ, một hình thức rất được ưa chuộng và hiện có mặt tại hơn 130 thành phố của 36 quốc gia. Đầu tháng 7/2014, Uber chen chân cùng dịch vụ taxi truyền thống Việt Nam. Với những tính năng hoàn toàn mới lạ như: Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe, thông báo trước chi phí di chuyển, cung cấp thông tin cơ bản về hành trình cũng như chiếc xe sắp đến đón khách,... Uber hứa hẹn trở thành một dịch vụ được khách hàng săn đón.

Thực tế cho thấy, sau khi xuất hiện tại TP.HCM, loại hình này nhanh chóng được nhiều khách hàng lựa chọn. Các hành khách từng sử dụng dịch vụ taxi Uber nhận định, đây là dịch vụ đem đến lợi ích cho khách hàng. Luồng dư luận trên cho biết, sử dụng loại hình dịch vụ trên tiết kiệm chi phí hơn so với taxi truyền thống, chủ động trong việc lựa chọn xe, được biết trước lộ trình cụ thể, số km phải di chuyển. Điều này hạn chế tối đa tình trạng chạy lòng vòng để tăng km của một số tài xế taxi.

Những dấu hỏi đơn vị hợp tác với Uber

Tuy nhiên, về góc độ quản lý, đại diện Hiệp hội taxi TP.HCM đánh giá, taxi Uber hoàn toàn không đáp ứng theo đúng điều 35 Thông tư 18/2013/TT-BGTVT quy định đối với xe taxi như: Không có tên, điện thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, trong xe không bảng giá cước phí, không đồng hồ tính cước; không phù hiệu, hộp đèn; không logo... Điều này dẫn đến việc nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp với khách hàng về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý..., thì khách hàng sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho mình và cũng khó cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho hành khách.

Ngoài ra, taxi Uber cũng vấp phải những vấn đề về pháp lý. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, taxi Uber bị cáo buộc là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh vận tải. Ngoài ra, dịch vụ này cũng đứng trước cáo buộc có hành vi trốn thuế, khi Uber không hề đóng bất kỳ một đồng thuế nào cho ngân sách.

Nhiều người cho rằng dịch vụ trên không khác mấy so với dịch vụ xe ôm. Có khác chăng, là việc tài xế và khách hàng không trực tiếp tìm đến nhau mà thông qua một ứng dụng trực tuyến làm cầu nối trung gian. Đáng nói hơn, vì đây là một dịch vụ quá mới mẻ, hiện cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nên khó “bắt lỗi”. Anh Nguyễn Văn Bình (40 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Đây là loại hình dịch vụ mới, nó có những cái lợi nhất định như dùng thẻ tín dụng, cước rẻ hơn, tận dụng được xe cá nhân nhàn rỗi... Do đó, Nhà nước nên tìm cách đưa vào quản lý, để phát huy tính ưu việt của loại dịch vụ này”.

Thông tin với truyền thông Việt Nam, đại diện công ty Uber khẳng định, đối tác của Uber là những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với Nhà nước. Các đơn vị vận chuyển có uy tín này có trách nhiệm đóng thuế. Các phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mới được vận chuyển hành khách. Việc đóng thuế sẽ do các đơn vị hợp tác với Uber tại Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, hiện chưa rõ danh sách các đơn vị hợp tác với Uber ở đâu, có uy tín hay không?

Cần xem xét sự việc một cách thấu đáo

Theo luật sư Nông Minh Đức: “Để kết luận chúng ta cần có nhiều dữ liệu thu thập từ cơ quan chức năng. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là một hình thức kinh doanh mới, có nhiều tiện lợi, hữu ích cho xã hội. Do vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét sự việc một cách thấu đáo, trên tinh thần trợ giúp doanh nghiệp và bảo đảm kinh doanh hợp pháp (nếu chưa). Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhanh chóng nghiên cứu mô hình trên, có hướng quản lý hợp lý loại hình kinh doanh còn mới mẻ này”.

Tin nổi bật