The Hill đưa tin, tàu thăm dò Mặt trời Parker của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã thực hiện một nỗ lực mang tính lịch sử nhằm di chuyển vòng quanh Mặt trời vào 6h53 ngày 24/12 (giờ địa phương).
NASA sẽ không thể liên lạc được với tàu vũ trụ này cho đến ngày 27/12, khi thiết bị được lên lịch gửi tín hiệu đèn hiệu cho các nhà khoa học trên Trái đất để xác nhận con tàu vẫn còn tồn tại.
Con tàu được chế tạo bằng tấm chắn sợi carbon dày 4,5 inch (khoảng 11,4cm) và nặng khoảng 1.500 pound (khoảng 680,3kg). Tàu thăm dò đã được thiết lập để hoàn thành 24 quỹ đạo xung quanh Mặt trời trong vòng 7 năm tới.
Tàu thăm dò Parker của NASA vừa bắt đầu chuyến tiếp cận Mặt trời. Ảnh minh họa: Space.com
Tàu thăm dò Parker được dự đoán sẽ bay gần Mặt trời hơn 7 lần so với bất cứ tàu vũ trụ nào khác, trong phạm vi khoảng 3,9 triệu dặm (hơn 6,2 triệu km) tính từ Mặt trời, băng qua đường đi của sao Kim và sao Thủy.
“Chưa có vật thể nào do con người tạo ra từng bay gần một ngôi sao đến vậy, do đó Parker thực sự sẽ gửi về dữ liệu từ vùng đất chưa được khám phá”, ông Nick Pinkine – người điều hành sứ mệnh Parker Solar Probe tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins (bang Maryland, Mỹ) chia sẻ.
“Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được hồi âm từ tàu vũ trụ khi nó quay trời lại xung quanh Mặt trời”, ông Pinkine cho biết thêm. Được biết, sứ mệnh nói trên được đặt theo tên của cố Tiến sĩ Eugene N. Parker - cựu giáo sư tại Đại học Chicago.
Tàu thăm dò đã phá vỡ các rào cản khi bay qua tầng khí quyển trên của Mặt trời vào tháng 12/2021, đánh dấu lần đầu tiên một tàu vũ trụ tiếp cận Mặt trời.
Khi thiết bị bay gần hơn vào quỹ đạo của Mặt trời và chịu mức nhiệt lên đến 2.500 độ, mục tiêu của NASA là tìm hiểu thêm về tác động của Mặt trời lên Trái đất. Việc này có thể giúp dự báo thời tiết trong không gian.