Ngày 14/5, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng mạnh thuế đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip và sản phẩm y tế. Đặc biệt, ông Biden đã quyết định tăng gấp 4 lần mức thuế suất đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, từ 25% lên 100%.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Getty
Chính phủ Trung Quốc ngay sau đó đã phản đối việc áp thuế. Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này phản đối quyết định tăng thuế và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ hủy bỏ các biện pháp này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, cho biết Mỹ đang "chà đạp" lên các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cũng như các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế.
Trong khi đó, các nhà kinh tế học cho rằng trong ngắn hạn, thuế này sẽ không tác động đáng kể lên GDP, lạm phát và chính sách tiền tệ của Mỹ. Với Trung Quốc, việc áp thêm thuế cũng có thể không ảnh hưởng ngay lập tức. Nguyên nhân là bởi nhà sản xuất xe điện hàng đầu nước này chưa hiện diện nhiều tại Mỹ, còn pin năng lượng mặt trời xuất khẩu chủ yếu qua nước thứ ba.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, bức tranh này rất phức tạp. "Thuế này là điềm báo cho quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ đóng băng trong thời gian dài", ông Joe Brusuelas - nhà kinh tế học tại RSM US nhận định trên CNN.
Chính sách này được ông Biden công bố trong bối cảnh thị trường lao động Mỹ vững mạnh, tăng trưởng tốt và tiêu dùng sôi động. Tuy nhiên, cuộc chiến lạm phát vẫn kéo dài, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì lãi suất ở mức cao.
Kế hoạch tăng thêm thuế của tổng thống Mỹ được đánh giá sẽ không làm thay đổi chính sách tiền tệ của nước này. "Thuế mới gần như sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát và GDP, cũng như chính sách tiền tệ. Fed sẽ không quan tâm đến việc này khi cân nhắc lãi suất", ông Ryan Sweet - kinh tế trưởng tại Oxford Economics nhận định.
Xe chạy nhiên liệu mới của Trung Quốc chờ xuất khẩu tại cảng Taicang ở Giang Tô. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Sweet, thuế nhập khẩu thường mang ý nghĩa về chính trị hơn là kinh tế. "Phần lớn nhà kinh tế học coi thuế này là ý tưởng tồi tệ. Vì nó ngăn quốc gia đó hưởng lợi từ chuyên môn hóa lao động, gây gián đoạn dòng chảy sản phẩm - dịch vụ và khiến tài nguyên không được phân phối hợp lý", ông Sweet nói.
Thuế này sẽ khiến các công ty phân phối, hãng bán lẻ và người tiêu dùng bị "đội" chi phí. Nghiên cứu năm 2023 của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ cho thấy các hãng "phải gánh gần như toàn bộ chi phí" từ thuế nhập khẩu của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tệ hơn nữa, một số doanh nghiệp được cho là đã lợi dụng chiến tranh thương mại để đẩy giá hàng hóa. Báo cáo của Fed New York cho thấy thuế mà ông Trump áp năm 2018 khiến các hộ gia đình Mỹ phải trả thêm 419 USD mỗi năm.
Theo thời gian, tác động kinh tế tích cực của việc áp thuế càng khó xác định. Báo cáo đầu năm nay của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) cho thấy nếu tính thuế nhập khẩu, thuế trả đũa và trợ cấp nông nghiệp, hiệu quả của chính sách này bằng 0. "Thậm chí, nó còn gây ra tiêu cực với doanh nghiệp và việc làm tại Mỹ", NABER cho biết.