Tầng lớp những người giàu nhất thế giới đã thiệt hại tổng cộng 10 nghìn tỷ USD vào năm 2022, khi họ phải hứng chịu ba "cú sốc" lớn bao gồm: năng lượng, kinh tế và địa chính trị, The Guardian đưa tin ngày 1/3 (giờ địa phương).
Theo đó, 218.000 người được phân loại là "những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao" (UHNWIs) đã chứng kiến tổng tài sản của họ giảm 10% từ 101,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021, xuống còn 91,4 nghìn tỷ USD vào năm 2022, theo báo cáo của Knight Frank - một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại London (Anh).
Đây là mức giảm tài sản hàng năm lớn nhất của giới siêu giàu kể từ khi nghiên cứu hàng năm được công bố lần đầu tiên vào năm 2010.
Nhiều cá nhân giàu có nhất thế giới chứng kiến tài sản của họ giảm đi đáng kể vào năm 2022. Ảnh: Shutterstock.
Ông Liam Bailey, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Knight Frank, cho biết sau nhiều năm thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, những người giàu có nhất thế giới đã phải chịu một "cú sốc lịch sử".
"Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và làm gia tăng tình trạng lạm phát vốn đã ở mức cao. Hậu quả là, năm 2022 đã chứng kiến một trong những đợt tăng lãi suất toàn cầu mạnh nhất trong lịch sử, dẫn đến các điều kiện kinh tế mà từ điển tiếng Anh Collins gọi là 'khủng hoảng vĩnh viễn'", ôngLiam Bailey thông tin.
Thống kê cho thấy, giới siêu giàu châu Âu bị giảm giá trị tài sản ròng nhiều nhất với mức giảm trung bình là 17%, tiếp theo là châu Đại Dương giảm 11% và châu Mỹ giảm 10%. Trong khi đó, châu Phi và châu Á ghi nhận mức giảm nhỏ hơn lần lượt là 5% và 7%.
Bất chấp sự sụt giảm trong giá trị tài sản, tầng lớp siêu giàu vẫn chi trả hàng triệu USD để tậu những căn hộ mới. Ở London và New York, 43 ngôi nhà đã đổi chủ với giá hơn 25 triệu USD/ngôi nhà ở cả hai thành phố vào năm 2022. Điều đó thể hiện doanh số bán hàng tăng 26% trên ngưỡng “siêu cao cấp” ở London nhưng lại giảm 35% ở New York.
Bích Thảo (Theo The Guardian)