Gần 8 năm chung sống với HIV, anh T. chia sẻ rằng nếu không có tấm thẻ BHYT làm chỗ dựa, có lẽ cuộc đời anh đã chấm dứt từ lâu…
Tìm đến trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi được các bác sĩ giới thiệu bệnh nhân T. - đã sống chung với HIV được gần 8 năm.
Theo lời của T. anh là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo tại huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Do hoàn cảnh gia đình, T. chỉ học hết cấp 2 rồi đi làm sớm.
Cũng như bao thanh niên, sau thời gian đi làm, T. cũng lập gia đình, lập gia đình 2 năm và có với nhau 2 cô con gái. Vì cuộc sống khó khăn, T. quyết định lên Hà Nội với mong muốn tìm việc làm kiếm tiền gửi cho vợ con.
Tấm thẻ BHYT là chỗ dựa của bệnh nhân nhiễm HIV |
Nhưng rồi, do chưa va chạm nhiều nơi phố thị, chỉ sau 2 tháng lên Hà Nội, T. đã bị bạn bè lôi kéo vào những tệ nạn như lô đề, mại dâm... Chuyện gì đến cũng đã đến, T. bàng hoàng khi phát hiện mình bị nhiễm HIV.
“Khi biết mình bị nhiễm H, tôi vô cùng sốc, tôi đi lang thang và không dám liên lạc với vợ con. Sau đó, tôi đành nhờ người báo tin cho gia đình rằng mình đã trốn đi nước ngoài làm ăn, có thể sẽ không quay về”, T. chia sẻ trong sự ân hận muộn màng.
Sau khi cắt hết mọi liên lạc với gia đình, T. tiếp tục lang thang trên Hà Nội làm nghề thu lượm ve chai với thu nhập ít ỏi để sống qua ngày. Bệnh tình ngày càng xấu hơn, T. cũng bắt đầu tìm hiểu về căn bệnh mình đang mắc phải. Qua tìm hiểu và giới thiệu của một số người, anh tìm đến TTYT quận Nam Từ Liêm và được các bác sĩ tư vấn về phác đồ, chi phí điều trị.
Mới nghe qua, T. đã định bỏ ra về bởi số tiền quá lớn. Tuy nhiên, sau một hồi được bác sĩ giải thích, T. mới biết mình thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT và được cấp thuốc ARV điều trị miễn phí. “Lúc đó, bao gánh nặng, suy nghĩ trong đầu được giải tỏa, y như cuộc sống của tôi sắp được hồi sinh”, T. nhớ lại.
Khi được hỗ trợ điều trị miễn phí bằng thuốc ARV, sau vài tháng, sức khỏe của T. dần được cải thiện, ăn uống cảm thấy ngon miệng hơn và bắt đầu tăng cân trở lại. “Tất cả nhờ tấm thẻ BHYT này. Nó đã cứu vớt cuộc đời tôi, bao chi phí từ thuốc điều trị bệnh, chi phí xét nghiệm và bây giờ là thuốc ARV”, bệnh nhân T. chia sẻ trong sự vui mừng.
Đến năm 2017, sau khi việc điều trị bệnh tiến triển, T. đã liên lạc lại với gia đình, đón vợ và con gái lên Hà Nội ở cùng. May mắn thay, T. nhận được sự yêu thương, động viên, quan tâm chăm sóc từ vợ con, nhất là luôn làm theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh lây nhiễm bệnh...
Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), nếu không tham gia BHYT, hàng năm người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản chi phí rất lớn. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân. |
Thu Hà