Thời Tam Quốc lưu truyền trong dân gian một câu nói nổi tiếng để miêu tả về đệ nhất mỹ nữ đương thời: "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Phục tiếu".
Khi nhắc đến mỹ nhân trong Tam Quốc, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ đến Điêu Thuyền, một trong "tứ đại mỹ nhân" Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tồn tại của Điêu Thuyền đến nay vẫn còn bị nghi ngờ, mà cho dù là một mỹ nhân có thực, thì nàng vẫn chẳng thể được coi là "đệ nhất mỹ nhân Tam Quốc" vì còn có Lạc Thần Chân Mật.
Chân Mật đến nay vẫn được đánh giá là 15 người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử Trung Hoa. Nụ cười mỹ nữ Chân Mật từng làm ngất ngây biết bao người, đến nỗi cả ba cha con nhà họ Tào là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều si mê.
Nàng còn được gọi là Chân Phục hoặc Chân Lạc. Nổi tiếng với nhiều truyền thuyết xoay quanh mình, Chân phu nhân được lưu truyền trong dân gian với sắc đẹp lộng lẫy. Có một câu nói trong dân gian được cho là ở thời Tam Quốc dùng để miêu tả sắc đẹp của nàng: "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Phục tiếu".
Chân Mật vốn là vợ của Viên Hy, con dâu của Viên Thiệu. Ai cũng biết Tào Tháo đặc biệt hứng thú với vợ thiên hạ, hơn nữa nhan sắc của Chân Mật đã được vang xa từ lâu. Thế nên sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo đã hạ lệnh không cho phép ai động đến gia quyến nhà họ Viên.
Tuy nhiên, Tào Phi lại là người đầu tiên dẫn quân vào Viên phủ và gặp được Chân Mật trước, để rồi hoàn toàn mất hồn trước vẻ đẹp của nàng. Thế nên dù tiếc đứt ruột nhưng Tào Tháo đành chấp nhận cho con trưởng của mình cưới Chân Mật.
Không lâu sau đó, Chân Mật hạ sinh cho Tào Phi một con trai đặt tên là Tào Duệ. Thời gian này Chân Mật rất được Tào Phi sủng ai, nàng cũng hết mực hiếu thảo với mẹ chồng.
Sau khi Tào Phi xưng đế, ông bắt đầu lạnh nhạt với Chân Mật, quay sang sủng ái Quý tần Quách Nữ Vương cùng các Lý Quý nhân, rồi Âm Quý nhân, sau đó lại nạp thêm hai con gái của Hán Hiến Đế.
Trong đó, Quách Nữ Vương luôn tỏ ra ghen tức quyết tâm tiêu diệt Chân Mật để trở thành chủ hậu cung. Quách Thị bày độc kế, để bùa trong phòng của Tào Phi rồi tố cáo Chân thị yểm bùa hãm hại chồng.
Tào Phi cho người điều tra và quả nhiên tìm thấy tượng gỗ có khắc tên mình trong phòng của Chân Mật. Chứng cớ rành rành, nàng bị Tào Phi ra lệnh cho uống thuốc độc tự tử. Bi thảm hơn, khi chết, nàng còn bị nhét đầy cám vào mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng. Cuộc đời mỹ nữ lừng danh thời Tam Quốc kết thúc bi thảm như vậy ở tuổi 39.
Sau khi Tào Phi qua đời, Tào Duệ nối ngôi, Chân Mật mới được con ruột của mình truy phong làm Hoàng hậu. Chưởng lễ quan sau đó dâng sớ tấu nên dâng thụy hiệu thêm cho Chân hậu, lấy chữ "Văn" trong thụy của Tiên đế cùng một chữ mang tính diễn tả, nên là Văn Chiêu hoàng hậu.
Nhiều sách vở ghi chép lại rằng, ngoài Tào Phi, Chân Mật còn được một người con khác của Tào Tháo là Tào Thực ngày đêm nhung nhớ. Tào Thực hoàn toàn xiêu lòng trước sắc đẹp và vẻ dịu dàng, hiền hậu của chị dâu, và với tài văn thơ của mình, ông đã lay động tâm hồn của mỹ nữ.
"Lạc Thần Phú" trứ danh của Tào Thực được sáng tác sau khi ông mộng thấy người chị dâu quá cố. Tào Thực dùng hình ảnh ẩn dụ của "Mật Phi - thần của Lạc Thủy" để nói về vẻ đẹp của nàng Chân Mật.
Hoa Vũ (Theo Sohu)