Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tầm quan trọng của vitamin A đối với trẻ nhỏ

  • Thùy Dung
(DS&PL) -

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Thiếu vitamin A trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Khẩu phần ăn của người Việt hiện tại không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, trong đó có vitamin A. Vì vậy, trẻ cần được uống bổ sung vitamin A để phát triển tốt, tránh nguy cơ mắc các bệnh về thị lực, suy giảm miễn dịch,...

Vai trò của vitamin A đối với sức khỏe của trẻ

Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Thiếu vitamin A trẻ sẽ bị chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Vitamin A tham gia vào chức năng thị giác của mắt, giúp mắt có khả năng nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu vitamin A, khả năng nhìn của mắt sẽ bị giảm, đặc biệt là vào lúc ánh sáng yếu. Hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối, dân gian gọi là quáng gà. Quáng gà là biểu hiện sớm của tình trạng thiếu vitamin A. Biểu hiện khi thiếu Vitamin A gây bệnh quáng gà của trẻ vào thời điểm chập tối là thường nhút nhát, chỉ ngồi một chỗ, không dám đi hoặc nếu đi thì dễ bị ngã, đi lại khó khăn, dễ va chạm với các vật ở dưới đất,...

Vitamin A có tác dụng bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô giác mạc, biểu mô dưới da, niêm mạc khí quản, niêm mạc ruột non, các tuyến nước bọt và tinh hoàn,... Khi thiếu vitamin A, cơ thể giảm sản xuất các niêm dịch, khiến da bị khô, xuất hiện sừng hóa,... Biểu hiện này thường thấy ở mắt: ban đầu khô kết mạc, sau đó tổn thương giác mạc, dẫn tới hậu quả mù lòa. Nếu thiếu vitamin A, niêm mạc ruột bị tổn thương dẫn tới rối loạn tiêu hóa hoặc niêm mạc phế quản tổn thương dễ mắc các bệnh đường hô hấp,...

Ngoài ra vitamin A đóng vai trò tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng của cơ thể trẻ với các loại bệnh, làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là các bệnh như sởi, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, tiêu chảy,... dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, vitamin A còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn khác như uốn ván, lao và hỗ trợ phòng ngừa ung thư hiệu quả.

Nguyên nhân thiếu vitamin A

Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin A mà cần được cung cấp bởi thực phẩm. Vì vậy, nguyên nhân chính khiến trẻ thiếu vitamin A là do chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thiếu vitamin A và caroten (tiền vitamin A). Bữa ăn thiếu dầu mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A trong thực phẩm (vì vitamin A tan trong dầu). Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A chủ yếu trong sữa mẹ. Nếu trong thời kỳ cho con bú, bữa ăn của người mẹ thiếu vitamin A thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới con.

Khi  trẻ bị mắc tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sởi, nhiễm giun đũa,... nhu cầu về vitamin A của cơ thể sẽ tăng cao để tái tạo lại các biểu mô, tạo kháng thể chống lại bệnh tật. Nếu các bệnh này kéo dài thì vitamin A trong cơ thể trẻ sẽ bị thiếu trầm trọng và cần được bổ sung kịp thời.

Hoặc khi trẻ mắc một số bệnh về đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy kéo dài thì khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin A sẽ bị suy giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu thức ăn có nhiều vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ thì cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin A của trẻ.

Nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu vitamin A mà cơ thể cần thì cơ thể sẽ huy động vitamin A được dự trữ từ gan. Tuy nhiên, tới thời điểm lượng vitamin A dự trữ không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu vitamin A. Suy dinh dưỡng và nhiễm trùng thường kéo theo tình trạng thiếu vitamin A.

Làm gì để trẻ không bị thiếu vitamin A?

Để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ vì sữa mẹ rất giàu vitamin A, đặc biệt là sữa non. Bà mẹ cũng cần uống vitamin A liều cao (200.000 IU) bổ sung ngay sau sanh để bảo đảm sữa mẹ có đủ vitamin A cho trẻ.

Chế độ ăn nên có đủ thực phẩm giàu vitamin A. Bên cạnh việc sử dụng thực phẩm giàu vitamin A nên kèm với chế độ ăn có đủ chất béo trong khẩu phần để vitamin A hấp thu được dễ dàng.

Đảm bảo vệ sinh môi trường, dự phòng nhiễm khuẩn, tẩy giun.

Bổ sung vitamin A liều cao. Trẻ 6 – 36 tháng tuổi đều phải được bổ sung vitamin A liều cao mỗi 6 tháng (vào ngày 1-2 tháng 6 và 1-2 tháng 12) tại các điểm uống vitamin A. Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A như trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị sởi, hoặc bệnh nhiễm trùng tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài… cũng cần được uống vitamin A liều cao.

Trẻ nhỏ từ 6 – 12 tháng tuổi: uống 100.000 đơn vị.

Trẻ trên 12 – 36 tháng: uống 200.000 đơn vị.

Trường hợp trẻ sắp được 6 tháng tuổi hay hơn 3 tuổi thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho uống.

Trẻ đang bị bệnh, vừa được chích ngừa hoặc sắp chích ngừa cũng đều có thể uống được vitamin A liều cao.

Không có tác dụng phụ nguy hiểm khi bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ. Nhiều phụ huynh thường lo lắng về tác dụng phụ khi nghe đến 2 chữ ‘liều cao’, sợ dư thừa lượng vitamin A trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, vitamin A liều cao hầu như không gây tác dụng phụ nguy hiểm, trừ một số triệu chứng ít gặp như nôn ói, đi ngoài phân lỏng hoặc với thóp phồng ở những trẻ dưới 1 tuổi (những phản ứng này sẽ giảm sau 1 – 2 ngày).

Theo khuyến nghị của Bộ Y tế Việt Nam: Trẻ từ 6 – 36 tháng cần được uống vitamin A liều cao bổ sung 2 lần/năm, cụ thể là vào ngày 1 và 2/6 (đợt 1), ngày 1 và 2/12 hằng năm (đợt 2) để phòng các bệnh về mắt như mù lòa, quáng gà.

Ngoài các đối tượng kể trên thì các bé dưới 6 tháng tuổi không được nuôi bằng sữa mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A đều được uống bổ sung vitamin A cho trẻ.

Việc cho trẻ uống vitamin A được thực hiện tại trạm y tế phường/xã hoặc các trường học.

Phụ huynh cần lưu ý mỗi đợt chỉ cho trẻ uống vitamin A 1 liều duy nhất, do đó, bạn cần báo cho giáo viên hay nhân viên y tế biết nếu con bạn đã được cho uống vitamin A 1 liều trong cùng 1 đợt.

Ngoài ra, cha mẹ nên lưu ý thêm về thời gian vì lịch uống vitamin A cho trẻ hằng năm sẽ có sự thay đổi xê xích thời gian. Hãy theo dõi sát sao lịch uống vitamin A để đưa bé đi uống vitamin A đúng thời gian.

Ngoài việc cho trẻ uống vitamin A định kỳ 2 lần mỗi năm, cha mẹ nên lưu ý bổ sung vitamin A cho trẻ thông qua chế độ ăn của bé. Đối với trẻ nhỏ, mẹ nên cho bé ăn ít nhất 2 -3 loại trái cây giàu vitamin A và rau xanh mỗi ngày. Khi chế biến thức ăn luôn bổ sung dầu mỡ (chất béo) để hỗ trợ cơ thể bé hấp thụ vitamin A tốt hơn.

Thùy Dung (t/h)

Tin nổi bật