Gia đình Lộ Khiết hiện đang sinh sống tại Đài Châu, Trung Quốc. Vợ chồng chị sinh được một cô con gái xinh xắn, thông minh và học giỏi. Việc đó khiến Lộ Khiết vô cùng tự hào và hạnh phúc.
Được biết, Lộ Khiết cho con đi học múa, học đàn ngay từ khi cô bé còn nhỏ. Không chỉ vậy, cô còn mua thuốc bổ về cho con gái uống. Người mẹ này luôn tin rằng với chiều cao 1m80 của chồng và 1m65 của mình, kết hợp với chế độ ăn uống bổ dưỡng, con gái sẽ sở hữu chiều cao như người mẫu.
Với sự chăm sóc cẩn thận của mẹ, trong những năm học mẫu giáo, con gái Lộ Khiết luôn nằm trong nhóm học sinh cao lớn nhất lớp. Mọi người ai cũng khen ngợi và hỏi Lộ Khiết bí quyết chăm con.
Bé gái được mẹ tẩm bổ đủ thứ, đồng thời đầu tư cho học múa, học đàn. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, từ năm 7 tuổi đến thời điểm hiện tại, con gái Lộ Khiết không cao thêm một chút nào. Vốn là đứa trẻ cao nhất lớp, cô bé dần bị các bạn cao vượt. Lộ Khiết không khỏi lo lắng, vội đưa con gái đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận con gái Lộ Khiết mới 9 tuổi nhưng kết quả kiểm tra tuổi xương lại cho thấy đã 13 tuổi. Về cơ bản, xương đã ở trạng thái đóng.
Lộ Khiết cảm thấy khó tin trước kết luận của bác sĩ, hỏi ngay: "Vì sao mà gen chiều cao của hai vợ chồng cô đều tốt mà con gái mới cao 1m42 đã dừng lại là sao?".
Bác sĩ giải thích di truyền chỉ chiếm khoảng 23% trong sự tăng trưởng chiều cao của các bé, 77% còn lại phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể chất và giấc ngủ.
Nếu bố mẹ chú ý bổ sung dinh dưỡng cho con, khuyến khích các bé tập thể dục và chăm sóc giấc ngủ ngay từ khi còn nhỏ, nhất là trong “giai đoạn vàng”, trẻ hoàn toàn có thể sở hữu chiều cao vượt trội.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ ra 3 sai lầm mà bố mẹ thường mắc, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thể chất và tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Cho con ăn nhiều rau củ quả trái vụ
Khi trồng rau củ quả trái vụ, các cơ sở sản xuất phải sử dụng một số chất để kích thích cây trái ra hoa. Nếu ăn nhiều rau củ quả không đúng mùa, các hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể trẻ, khiến bé bị suy dinh dưỡng hoặc dậy thì sớm. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý không nên mua rau củ quả trái mùa cho con ăn thường xuyên.
Cho con uống nhiều thuốc bổ
Các bác sĩ cho biết uống quá nhiều thuốc bổ không theo liều lượng của bác sĩ sẽ vô tình khiến các cơ quan trong cơ thể bé dần trưởng thành, thúc đầy trẻ dậy thì sớm.
Cho con ăn nhiều thức ăn nhanh
Việc ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao như gà rán, khoai tây chiên dễ khiến trẻ bị béo phì – yếu tố quan trong gây ra tình trạng dậy thì sớm.
Nghe bác sĩ giải thích, Lộ Khiết vô cùng hối hận. Cô không tiếc tiền bồi bổ cho con ngay từ bé chỉ vì muốn con sở hữu chiều cao vượt trội, chẳng ngờ việc đó lại tác động xấu đến sự phát triển của con gái.
Ngoài 3 sai lầm trên, bố mẹ cũng cần tránh những điều sau để tránh “kìm hãm” sự phát triển chiều cao của trẻ.
Không khuyến khích con vận động
Tập luyện thể dục thể thao có vai trò quan trọng đối với việc phát triển chiều cao của trẻ. Ảnh minh họa
Việc chăm chỉ tập luyện thể dục giúp cơ thể dẻo dai hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình giải phóng hormone tăng trưởng GH để giúp trẻ cao hơn.
Viện Hàn lâm Bác sĩ Gia đình Mỹ (AAFP) khuyến nghị, trẻ em nên tham gia hoạt động thể chất ít nhất từ 30 – 60 phút/ngày, nhất là ở các giai đoạn tăng trưởng quan trọng như 1000 ngày vàng đầu đời, tiền dậy thì và dậy thì.
Trẻ cần được vận động thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi, từ đó kích thích sự phát triển của các nhóm cơ, giúp xương dẻo dai, khỏe mạnh.
Tin rằng muốn tăng chiều cao chỉ cần uống sữa là đủ
Sữa là thực phẩm giàu canxi – vi chất cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ. Tuy nhiên, để có thể phát triển chiều cao tối đa, các bé cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác, kết hợp với vận động và chăm sóc giấc ngủ.
Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ chỉ bỏ sung canxi qua thực phẩm hoặc thuốc uống, chiều cao tăng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu các bé được cung cấp đầy đủ canxi, bổ sung vitamin D, chiều cao sẽ thay đổi rõ rệt.
Canxi là nguyên liệu cấu tạo và hình thành xương, trong khi đó vitamin D lại quyết định canxi có hấp thị được vào máu, chuyển hóa vào xương, khiến xương chắc khỏe và dài ra hay không.
Cho con đi ngủ muộn
Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ trường Đại học Winconssin-Madison (Mỹ), hơn 90% sự phát triển xương diễn ra trong khi ngủ hoặc nghỉ, hầu như không có sự phát triển xương nào xảy ra khi đi lại hoặc đứng.
Khi các bé ngủ, tuyến yên tiết ra nhiều hormone tăng trưởng GH kích thích gia tăng chiều dài của xương cũng như các cơ quan khác, giúp cơ thể lớn lên. Hàm lượng GH được giải phóng trong lúc ngủ cao gấp 4 lần so với khi thức, cao nhất vào khoảng 22h – 3h.
Đinh Kim (T/h)