Quyền Ngoại trưởng của Afghanistan Amir Khan Muttaqi cho biết Taliban muốn thiết lập quan hệ với tất cả các quốc gia và họ "không có vấn đề gì" với Mỹ. Theo đó, ông Mattaqi kêu gọi Washington và các quốc gia giải phóng khoản tiền viện trợ trị giá 10 tỷ USD cho Afghanistan. Được biết, số tiền này đã bị các nước và các tổ chức lần lượt đóng băng kể từ khi Taliban lên nắm quyền vào ngày 15/8 vừa qua.
Cụ thể, quyền ngoại trưởng Afghanistan nhận định: "Các lệnh trừng phạt sẽ không mang lại lợi ích gì. Khiến tình hình ở Afghanistan rơi vào cảnh bất ổn hoặc khiến chính phủ trở nên yếu kém không có lợi cho bất kỳ ai".
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi họp giao ban Nhà Trắng vào ngày 13/12 (giờ địa phương), Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết: "Taliban hiện vẫn chưa có quyền tiếp cận các nguồn tiền dự trữ".
Bà Psaki nhấn mạnh Mỹ chưa nhìn thấy sự thay đổi ở nhóm Hồi giáo này và nói rằng khoản tiền trên được giữ ở Mỹ có liên quan tới những nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 được tiến hành bởi nhóm khủng bố al-Qaeda dưới thời Taliban cai trị Afghanistan trước đây.
Bà nói: "Những thủ tục pháp lý này không thể bị coi thường và chúng tôi đã tạm thời đình chỉ bất kỳ sự thay đổi nào của quỹ này cho đến cuối năm nay và có thể còn lâu hơn nữa".
Bà Psaki cho biết ngay cả khi tiền có thể được giải phóng, Washington vẫn muốn chắc chắn rằng khoản tiền này sẽ không mang lại lợi ích cho Taliban. Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác cho biết số tiền này được chuyển cho các tổ chức từ thiện chứ không phải Taliban.
Thư ký báo chí báo chí Nhà Trắng lưu ý hiện nay, Taliban vẫn đang bị coi là một nhóm khủng bố với thế giới. Tuy vậy, Washington đã tiến hành các cuộc đàm phán với nhóm Hồi giáo trong 2 năm qua và ký kết một thoả thuận chung liên quan tới việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, ông Muttaqi thừa nhận những hạn chế đối với giáo dục trẻ em gái và cơ hội việc làm của phụ nữ đã khiến thế giới phẫn nộ. Tuy nhiên, quyền ngoại trưởng Afghanistan cho biết Taliban cần thời gian để thiết lập các thỏa thuậnchống phân biệt giới tính trong trường học và nơi làm việc để đáp ứng với các luạt lệ Hồi giáo nghiêm khắc của họ.
Khi mới cầm quyền từ năm 1996-2001, Taliban đã gây chấn động thế giới khi cấm trẻ em gái và phụ nữ đến trường học và việc làm, cấm hầu hết các hoạt động giải trí và thể thao. Bên canh đó, thỉnh thoảng nhóm còn thực hiện các vụ hành quyết tàn bạo trước đám đông trong các sân vận động thể thao.
Kể từ khi lên cầm quyền trở lại vào tháng 8 vừa qua, Taliban đã nhiều lần tuyên bố họ đã thay đổi. Nhắc lại quan điểm này, ông Muttaqi chia sẻ: "Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ trong hành chính và chính trị và sự tương tác với quốc gia và thế giới. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tiến bộ hơn".
Ông Muttaqi chỉ ra dưới chính quyền mới của Taliban, trẻ em gái đang đi học đến hết lớp 12 ở 10 trong số 34 tỉnh của đất nước, các trường tư thục và đại học đang hoạt động không bị cản trở và 100% phụ nữ từng làm việc trong ngành y tế đã trở lại công việc. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tuân theo những cam kết của mình về việc đảm bảo quyền của phụ nữ".
Đồng thời, ông thừa nhận Taliban đã mắc sai lầm trong những tháng đầu tiên cầm quyền và khẳng định "sẽ nỗ lực để có nhiều cải cách hơn có thể mang lại lợi ích cho quốc gia".
Về kế hoạch chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Muttaqi cho biết hiện Taliban chưa có kế hoạch hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, nhóm bày tỏ hy vọng rằng theo thời gian, "Mỹ sẽ từ từ, từ từ thay đổi chính sách của mình đối với Afghanistan" khi nhận thấy quốc gia do Taliban cai trị sẽ mang đến lợi ích cho Mỹ.
Kết thúc buổi phỏng vấn, ông Muttaqi dành lời khen cho Mỹ, ông nói: "Điều cuối cùng tôi muốn nói với Mỹ rằng các bạn là một quốc gia to lớn và vĩ đại và bạn cần có đủ kiên nhẫn cũng như trái tim mới có thể đưa ra các chính sách đối với Afghanistan dựa trên các quy tắc quốc tế, để kết thúc sự khác biệt và thu hẹp khoảng cách giữa chúng ta, đồng thời chọn xây dựng quan hệ tốt với Afghanistan".
Minh Hạnh