Theo Wall Street Journal, các đặc vụ ngầm của Taliban đã thâm nhập vào các bộ, trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức viện trợ của Afghanistan trong nhiều năm.
Những người này chờ đợi cơ hội để giúp Taliban trở lại sau 20 năm đấu tranh vũ trang và lật đổ chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Kabul.
Binh sĩ Taliban tại Kabul. Ảnh: Wall Street Journal
Mohammad Salim Saad - một cựu chỉ huy phiến quân Taliban, người hiện đứng đầu trung tâm chỉ huy an ninh sân bay Kabul, đã chia sẻ về cách các điệp viên chìm này xoay sở để thực hiện một cuộc đảo chính ít đổ máu, lật đổ cả chính phủ do ông Ashraf Ghani đứng đầu và những người ủng hộ phương Tây.
“Chúng tôi có các đặc vụ tại mỗi bộ ngành, tổ chức. Những đơn vị chúng tôi có đặc vụ ngầm tại Kabul đều có tầm quan trọng chiến lược. Người của chúng tôi còn trà trộn vào chính văn phòng mà hiện tôi đang làm việc”, ông Saad nói, nhắc tới trung tâm chỉ huy an ninh tại sân bay Kabul.
Mohammad Rahim Omari, một chỉ huy cấp trung của Taliban đang bí mật làm việc tại cơ sở kinh doanh xăng dầu của gia đình ông ở Kabul trước khi ông được triệu tập vào ngày hôm đó.
Ông Omari cho biết ông và 12 người khác được điều động đến một cơ quan tình báo Afghanistan ở phía Đông thành phố, nơi họ tước vũ khí của các sĩ quan đang làm nhiệm vụ và ngăn chặn việc phá hủy các máy tính và tệp tin quan trọng, theo WSJ.
Các đặc vụ khác của Taliban cũng cầm vũ khí để chiếm các cơ quan chính phủ và quân đội rồi đến sân bay Kabul, nơi Mỹ đang tiến hành một nỗ lực sơ tán khổng lồ.
Họ đã kiểm soát bên ngoài sân bay cho đến khi đội quân Taliban được trang bị tốt hơn kéo từ vùng nông thôn đến. Một đặc vụ tên là Mullah Rahim, thậm chí còn được cử đến để bảo vệ Viện Khảo cổ học Afghanistan và các kho báu ở đây khỏi những kẻ cướp bóc tiềm năng.
Một đặc vụ khác là Kamran, người không muốn tiết lộ họ của mình, cho biết anh ta có nhiệm vụ tiếp quản Bộ Giáo dục Đại học và Đại học Kabul, nơi anh ta trở thành người tuyển mộ Taliban trong khi theo học bằng thạc sĩ tiếng Ả Rập.
Kamran ước tính đã mời khoảng 500 người, chủ yếu là sinh viên, tham gia cuộc nổi dậy kể từ khi anh ta bắt đầu học vào năm 2017. Để duy trì vỏ bọc của mình, anh ta cạo râu, đeo kính râm và mặc quần jean.
Kamran nhớ lại: “Tôi từng bị nghi ngờ. Trong khi nhiều người bạn của tôi bị bắt, tôi thì không. Mặc dù tôi đã từng là thủ lĩnh của họ”.
Nhiều người quen của Kamran - bạn học cũ, giáo viên và lính canh - chỉ nhận ra anh là thành viên của Taliban khi anh cầm súng xuất hiện ở Đại học Kabul và Bộ Giáo dục Đại học vào ngày 15/8.
“Nhiều nhân viên của Bộ và toàn thể nhân viên của trường đại học biết tôi. Họ đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi”, Kamran, người có công việc mới là trưởng bộ phận an ninh của một số trường đại học ở Kabul cho biết.
Trong khi đó, giảng viên đại học Ahmad Wali Haqmal cho biết ông đã nhiều lần yêu cầu các thủ lĩnh Taliban cho phép tham gia cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính phủ do Mỹ hậu thuẫn sau khi ông hoàn thành bằng cử nhân luật Shariah.
Thủ đô Kabul đã rơi vào tay Taliban mà không có bất kỳ sự kháng cự nào trong bối cảnh cựu Tổng thống Ghani và nhiều quan chức cấp cao của Afghanistan đã bỏ chạy ra nước ngoài.
Chính phủ Taliban được cho là sẽ không được bất kỳ quốc gia nào công nhận cho đến khi họ cho thấy họ có đủ năng lực để duy trì nhân quyền, quyền phụ nữ, quyền tự do ngôn luận và một chính quyền toàn diện bao gồm các nhóm sắc tộc kể cả phụ nữ.
Mộc Miên (Theo Wall Street Journal)