Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tại sao không nên ngoáy tai?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nhiều người có thói quen ngoáy tai thường xuyên mà không biết việc này có nguy cơ dẫn đến nhiều rủi ro.

Ráy tai giúp giữ ẩm cho vùng da ống tai mỏng manh, đồng thời phòng tránh tai khô, ngứa. Tính năng chống thấm nước của ráy tay giúp ngăn nước làm hỏng ống tai và màng nhĩ. Ngoài ra, ráy tai cũng bảo vệ da ống tai khỏi nhiễm trùng, bụi bẩn cùng virus xâm nhập. Thói quen lấy ráy tai mỗi ngày có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro.

Tai có khả năng làm sạch tự nhiên

Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Thị Chi Mai - Trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho hay, tai bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài sẽ ngăn cách với tai giữa và tai trong bởi màng nhĩ.

Tai ngoài gồm vành tai và ống tai ngoài. Trong đó, ống tai ngoài như một đường hầm của sụn và xương được lót bởi da. Chiều dài của ống tai ngoài ở người lớn gần 3cm.

Ống tai ngoài có dạng cong như hình chữ S, từ ngoài vào trong, ban đầu hướng lên nhưng càng về phía màng nhĩ lại hướng ra trước và xuống dưới.

Thói quen lấy ráy tai mỗi ngày có nguy cơ gây nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: Shutterstock

1/3 ngoài của ống tai là sụn, da ống tai có lớp dưới da tiết chất bã tạo ráy tai. Trong khi đó, 2/3 trong ống tai là xương, da dính chặt vào xương, rất mỏng, có nơi chỉ có vài tế bào, rất dễ tổn thương dù chỉ ngoáy tai với lực nhẹ và với tăm bông nhỏ.

Da ống tai di chuyển rất chậm mỗi ngày, từ phía rốn nhĩ lan ra rìa màng nhĩ theo hình nan hoa. Tiếp đó, da bong sẽ di chuyển dọc theo ống tai, mang cùng ráy tai, cũng như các chất cặn ra ngoài cửa tai nhờ vào cử động của các lông tai rất mềm cùng cử động nhai của hàm. Đây chính là cơ chế làm sạch tự nhiên của tai.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Chi Mai, khi ngoáy tai bằng tăm bông, lớp lông mịn cùng chất bảo vệ sẽ bị cuốn vào tăm bông nên ảnh hưởng tới việc đẩy ráy tai ra ngoài theo tự nhiên.

Ráy tai ứ lại theo thời gian, nếu ráy tai nhiều thì có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đau tai và ù tai. Nút ráy tai có thể gây ra giảm thính lực, chóng mặt...

Một số người có thói quen phải ngoáy tai sau khi tắm là bởi việc ngoáy tai nhiều gây mất lớp lông tai và lớp bảo vệ tai, do vậy, không chống được nước vào tai và cũng không đẩy được nước ra khỏi tai.

Dễ gây viêm nhiễm, ảnh hưởng đến thính giác

Việc đưa vào tai các vật dụng như tăm bông hay dụng cụ ngoáy tai có thể gây xáo trộn hệ vi khuẩn tự nhiên của tai, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tai quá sạch cũng sẽ làm giảm chức năng ngăn ngừa nấm, vi khuẩn, virus và côn trùng của ráy tai.

Rửa tai khi lấy ráy tai có thể sẽ làm mất cân bằng độ pH tự nhiên của tai, khiến nước có nguy cơ còn sót lại, nhiễm trùng, theo thông tin trên VnExpress.

Trong lúc bạn cố gắng loại bỏ ráy tai, vùng da mỏng manh của ống tai có thể bị rách, xước hoặc có nguy cơ thủng màng nhĩ. Khi này, tai sẽ bị đau, nhiễm trùng và làm mất thính giác vĩnh viễn.

Thủng màng nhĩ đột ngột có một số dấu hiệu như cảm giác đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, có thể dẫn đến điếc.

Nhiều người cảm thấy sưng đau tai, bị ngứa tai và ù tai sau 2-3 ngày ngoáy tai là vì tai bị nhiễm trùng, cần tới gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.

Mọi người hạn chế sử dụng tăm bông hoặc là bất cứ vật nhỏ, nhọn nào để vệ sinh tai bởi dễ gây thương tổn. Ảnh minh họa

Nguy cơ chấn thương tai

Theo nghiên cứu năm 2017 của Trường Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi), với gần 200 người tham gia, việc tự làm sạch tai có thể gây chấn thương với tỷ lệ tổn thương khoảng 2,4%. Triệu chứng phổ biến sau khi ngoáy tai bao gồm ngứa, đau tai, cảm giác như tai có đầy ráy tai, bị ù tai, khó nghe và chảy dịch mủ.

Mọi người có thể nhẹ nhàng lau phía bên ngoài tai bằng khăn hoặc giấy đã được làm ướt bằng nước ấm; không nên cố gắng lấy ráy tai bằng cách nhét khăn hoặc là vật cứng vào bên trong tai. Đồng thời, cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng dung dịch hoặc các loại thuốc nhỏ tai để làm lỏng ráy tai.

Mọi người cũng hạn chế dùng tăm bông hoặc bất cứ vật nhỏ, nhọn nào để vệ sinh tai bởi dễ gây thương tổn. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng tai như đau trong hoặc xung quanh tai, chảy dịch tai, khó nghe, mọi người nên đi khám để điều trị.

Khi có nhiều ráy tai, mọi người nên đến bác sĩ để làm sạch ráy tai bằng các dụng cụ chuyên dụng với phương pháp an toàn.

Tin nổi bật