Trao đổi với Nikkei Asian trong một cuộc phỏng vấn mới đây, quyền Bộ trưởng Giáo dục Sheikh Mawlawi Noorullah Moneer cho biết: "Chúng tôi hiểu những lợi ích của giáo dục và những cánh cửa mở ra cho sự tăng trưởng và phát triển. Chúng tôi không chống lại việc này và chúng tôi biết rằng đó là quyền của cả nam và nữ. Chúng tôi cũng có trách nhiệm cung cấp cho họ nền tảng để thực hiện quyền đó với tư cách là một con người".
Theo đó, đại diện Taliban cho biết họ đang xây dựng kế hoạch đảm bảo quyền bình đẳng giáo dục đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết về kế hoạch này, quyền bộ trưởng của Afghanistan chỉ đưa ra những câu trả lời mơ hồ, chưa rõ ràng.
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo ở Afghanistan, Taliban đã hạn chế nhiều quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Reuters
Ông Moneer cho biết chính phủ Taliban đang thực hiện một "chính sách ngắn gọn, cân nhắc quan điểm của mọi người". Ông nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao việc thực hiện chính sách này mất nhiều thời gian. Tiểu vương Hồi giáo đang làm việc trên một cơ chế phù hợp với luật Sharia và có lợi cho mọi người dân của đất nước".
Trước đó, quyết định vào phút chót của Taliban yêu ccauaf các nữ sinh từ lớp 6 trở lên nghỉ học đã vấp phải lên án rộng rãi của quốc tế. Ngân hàng Thế giới đã đình chỉ các dự án trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các lĩnh vực khác của Afghanistan. Mỹ cũng hủy bỏ các cuộc đàm phán ở Doha, Qatar được cho là nhằm mục đích giải quyết các vấn đề kinh tế của Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nhận định: "Chúng tôi đã hủy bỏ một số cam kết của mình, bao gồm các cuộc gặp đã lên kế hoạch ở Doha, xung quanh Diễn đàn Doha, và đã nói rõ rằng chúng tôi coi quyết định này là một bước ngoặt trong sự tham gia của chúng tôi."
Ông Moneer thừa nhận những áp lực này và những tác động tiềm ẩn về viện trợ trả lương và tài trợ cho các dự án, nhưng nhấn mạnh Taliban sẵn sàng hy sinh những điều này để duy trì sự thống nhất.
Việc tạm hoãn giáo dục đối với trẻ em gái dường như là một thỏa hiệp để xoa dịu những người ở khu vực nông thôn của phong trào Taliban. Theo ông Moneer, trong khi hầu hết các trung tâm thành thị đều hoan nghênh việc mở cửa trở lại cho các nữ sinh trung học, thì phần lớn các vùng nông thôn của Afghanistan lại tỏ ra miễn cưỡng, đặc biệt là ở các khu vực Pashtun.
Ông nói: "Sau 40 năm chiến tranh, cuối cùng chúng tôi cũng có một chính phủ duy nhất kiểm soát toàn bộ đất nước. Vì vậy, chúng tôi cần thời gian. Mọi thứ không thể xảy ra vào cùng một thời điểm".
Minh Hạnh (Theo Nikkei Asia)