(ĐSPL)-Khi cảnh sát yêu cầu tài xế đánh xe vào để cân trọng tải thì người này nhất quyết không chấp hành, chống đối bằng cách đóng cửa ngồi cố thủ trong xe để gọi điện thoại trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ.
Đó là một trong những trường hợp mà CSGT cũng như lực lượng chức năng thường xuyên đối mặt khi xử lý xe quá tải tại các trạm cân.
Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt Công an TP Hà Nội và Thanh tra Sở GTVT, các đơn vị thuộc Phòng đã triển khai lực lượng phối hợp thanh tra giao thông trong việc kiểm tra, xử lý xe quá tải, quá khổ, trong đó thường xuyên tập trung xử lý một số tuyến đường trọng điểm.
Nhiều xe tải trên tuyến Quốc lộ 1B được lực lượng chức năng yêu cầu vào trạm cân để kiểm tra tải trọng. |
Đủ mọi chiêu trò đưa xe quá tải đi trốn
Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để thực hiện theo kế hoạch của Phòng CSGT, Đội CSGT số 8 đã cắt cử lực lượng làm việc 24/24h, trong đó chia làm các ca, mỗi ca trực và làm việc 8 tiếng tại trạm cân trên tuyến Quốc lộ 1B đoạn qua Đỗ Xá – Thường Tín (Hà Nội) để thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý các xe chở quá khổ, quá tải đi lại trên địa bàn.
Lực lượng CSGT phối hợp với Thanh tra giao thông được giao nhiệm vụ chốt trực tại trạm cân để xử lý các trường hợp xe quá tải lưu thông. |
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 8 nhận định, từ ngày 1/4, sau khi thực hiện kế hoạch xử lý xe quá tải cho đến nay thì lượng xe quá tải đã giảm đến khoảng 60\%.
“Ngày trước, chúng tôi ghi nhận 100\% xe đều vi phạm, vì đã chở là chở quá tải. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải đã giảm hẳn trong thời gian gần đây, dù việc xử lý của lực lượng CSGT vẫn còn gặp nhiều khó khăn” – Trung tá Đỗ Mạnh Ninh chia sẻ.
Nói về những khó khăn hiện tại của lực lượng thi hành nhiệm vụ kiểm tra, xử lý xe quá tải trên tuyến, Đội trưởng Đội CSGT số 8 cho biết, khó khăn chính là trạm cân chỉ cố định tại một vị trí nên các lái xe vi phạm đều nắm được và tìm mọi cách để trốn tránh, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ.
“Nắm được vị trí đặt trạm cân cố định, nhiều tài xế chở xe quá tải còn có thủ đoạn thuê người dân địa phương hoặc xe ôm “do thám” xem khi nào lực lượng chức năng tiến hành giao ca hoặc bận đưa xe đi xử lý, không có người ở trậm cân thì cho tranh thủ cho xe đi qua. Những lái xe này cũng rất tinh vi khi chỉ cho xe dừng trong các quán nước, quán cơm để chờ thời điểm chứ không dừng xe ngoài đường để tránh bị lực lượng CSGT xử phạt vì lỗi dừng đỗ sai quy định” – Trung tá Đỗ Mạnh Ninh cho biết.
Hơn 1 tháng, xử phạt gần 1 tỷ đồng với 177 trường hợp vi phạm
Trực tiếp tham gia vào một ca trực xử lý xe quá tải trên Quốc lộ 1B ngày 21/11, Đại úy Nguyễn Thế Vinh – cán bộ Đội CSGT số 8 thẳng thắn chia sẻ: “Từ ngày 1/4, lực lượng tuần tra kiểm soát của CSGT phối hợp với Sở GTVT và các thanh tra giao thông đã tiến hành kiểm tra, xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, vào ban ngày, hầu như lực lượng làm nhiệm vụ không xử phạt được trường hợp nào vi phạm chở quá tải, vì các xe quá tải đều lựa chọn thời điểm vào ban đêm, khi lực lượng tuần tra mỏng để đi lại. Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra và xử lý xe quá tải”.
Tuy nhiên, lực lượng CSGT cho biết, vì trạm cân được đặt cố định tại 1 vị trí nên nhiều lái xe đều biết và tìm mọi cách để "lọt" qua trạm cân. |
“Các phương tiện vi phạm chở quá tải khi biết có lực lượng kiểm tra liên ngành thì thường bố trí đội ngũ dẫn đường, cảnh giới, đi thăm dò (thường là cánh xe ôm hoặc người dân bản địa) đi trước để đối phó hoặc tìm cách né tránh như lưu thông qua các nhánh đường ngang ngõ tắt hoặc nằm chờ, cố tình tránh né việc kiểm tra tải trọng; một số trường hợp còn tìm mọi lý do gây khó khăn cho lực lượng xử lý” – Đại úy Vinh chia sẻ về những khó khăn trong công tác xử lý.
Nhớ lại trường hợp đặc biệt nhất trong thời gian dần đây, Đại úy Vinh cho biết, vào khoảng 2h sáng một ngày đầu tháng 10, phát hiện một xe có dấu hiệu chở quá tải, lực lượng liên ngành đã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra và cho cân trọng tải.
Tuy nhiên, lái xe này không những không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng mà con lái xe bỏ chạy, lạng lách, đánh võng trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Bằng các biện pháo nghiệp vụ, lực lượng liên ngành đã dừng được phương tiện này khi nó chạy được khoảng 200 mét.
Với những xe vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tiến hành lập biên bản, giữ giấy tờ xe và yêu cầu hạ tải. |
Không dừng lại ở đó, khi lực lượng chức năng yêu cầu tài xế đánh xe vào để cân trọng tải xe thì thì người này nhất quyết không chấp hành, chống đối, cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ bằng cách đóng cửa ngồi cố thủ trong xe để gọi điện thoại trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ.
Sau rất nhiều nỗ lực thuyết phục, tuyên truyền của lực lượng chức năng thì lái xe này mới chấp hành theo yêu cầu.
Ngay sau đó, khi xác định chiếc xe này chở quá tải 75\% thì lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, giữ xe cùng giữ giấy tờ xe và yêu cầu hạ tải.
Dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý xe quá tải, nhưng theo báo cáo của Đội CSGT số 8, chỉ tính từ ngày 7/10 đến nay, đơn vị này đã xử lý được gần 200 trường hợp vi phạm, trong đó có 163 trường hợp xe chở quá tải, xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe của 163 trường hợp, và quan trọng nhất là số lượng xe chở quá tải trên địa bàn đã giảm đi đáng kể.
Chiếc xe này vừa bị xử phạt chiều 20/11 vì chở quá tải 74\%, đến thời điểm kiểm tra là trưa 21/11 thì lái xe đã cho hạ tải đúng yêu cầu. |
Lực lượng Thanh tra giao thông nhập dữ liệu của các xe được yêu cầu cân trọng tải vào máy tính. |
Sau đó, mọi thông số sẽ xuất hiện trên máy tính để xác định chiếc xe này có vi phạm chở quá tải hay không. |
Các thông tin về chiếc xe được kiểm tra hiện đầy đủ trên máy tính. |
Biên bản cũng được in ra ngay sau đó để lưu trữ và phục vụ cho công tác xử lý. |
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong một thời gian ngắn xử lý, số lượng xe quá tải cũng giảm đi đáng kể. |