Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tài xế Lexus biển 8888 bị tông chết khi dừng xe theo hiệu lệnh CSGT: Lỗi thuộc về ai?

(DS&PL) -

Liên quan vụ TNGT trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 1 người chết, 1 người bị thương, luật sư cho rằng cần thiết phải khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân.

Liên quan vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, gây hậu quả 1 người chết, 1 người bị thương, chuyên gia pháp lý cho rằng cần thiết phải khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Mới đây, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) làm 1 người tử vong, 1 người là CSGT thương nặng.

Cụ thể, vào khoảng 15h15 ngày 15/9, tổ Công tác của đội 2, phòng 8, cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ, phát hiện ô tô nhãn hiệu Lexus KBS 20L-8888, do anh Nguyễn Việt H. điều khiển, vi phạm lỗi chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Hiện trường vụ tai nạn

Khi anh H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì bị ô tô tải do Nguyễn Văn Thành (SN 1984, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và CSGT Nguyễn Anh Tuấn (SN 1978, là cán bộ đội 2, phòng 8, cục CSGT).

Sau khi gây tai nạn, lái xe rời khỏi hiện trường. Anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn được đưa cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Đến đến 19h35 cùng ngày, do vết thương quá nặng, anh H. đã tử vong.

Để làm rõ lỗi trong vụ tai nạn cũng như việc CSGT có được ra hiệu lệnh dừng đỗ xe để kiểm tra trên đường cao tốc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Hà Trọng Đại, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Thưa luật sư, xin ông cho biết, lực lượng CSGT có được quyền ra tín hiệu dừng xe trên cao tốc hay không, và nếu có thì cần những điều kiện gì? Mong luật sư giải đáp.

Luật sư Hà Trọng Đại: Theo quy định của Thông tư 01/2016 của bộ Công an quy định về quyền hạn của Cảnh sát giao thông thì: “CSGT được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật”.

Cảnh sát giao thông có quyền thực hiện việc tuần tra, kiểm soát công khai trên đường cao tốc dưới hình thức cơ động, hình thức kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc hoặc có thể kết hợp cả hai hình thức trên. Tuy nhiên, việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc phải được thực hiện theo kế hoạch đã được Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, địa điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát.

Luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông.

Khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, lực lượng CSGT chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại các vị trí sau: Điểm đầu, cuối đường cao tốc; Khu vực Trạm thu phí trên đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; Đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc.

Khi tuần tra, kiểm soát cơ động trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp sau: Phát hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT có nguy cơ tức thời gây mất ATGT nghiêm trọng; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc; Có yêu cầu của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm; Phát hiện phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên đường cao tốc.

Ngoài ra, việc CSGT dừng phương tiện phải bảo đảm được sự an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Chiếu theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cần xác minh, việc tổ Công tác của đội 2, phòng 8, cục Cảnh sát Giao thông lập chốt, ra hiệu lệnh dừng xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) là phù hợp với quy định tại Thông tư 01 hay chưa.

Vậy theo luật sư, trong vụ tai nạn giao thông hi hữu trên, lỗi thuộc về ai?

Luật sư Hà Trọng Đại: Như đã nói ở trên, việc đầu tiên cơ quan chức năng cần phải xác minh làm rõ là việc CSGT lập chốt, dừng đỗ xe trên đường cao tốc đã đúng với quy định của pháp luật hay không? Ở đây, vụ va chạm xảy ra sau khi tài xế xe Lexus đã táp xe vào lề đường theo hiệu lệnh của CSGT và xuống xe xuất trình giấy tờ. Lúc này, ô tô tải do Nguyễn Văn Thành (SN 1984, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và CSGT Nguyễn Anh Tuấn gây hậu quả 2 người thương vong.

Trong trường hợp này có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Khi đó, cơ quan chức năng cần phải tiến hành điều tra làm rõ xem tài xế xe tải có đủ điều kiện tham gia giao thông như trong người có nồng độ cồn khi lái xe hay không? Có đầy đủ giấy tờ xe, có đảm bảo an toàn phương tiện (như: phanh, kiểm định)... và quan trọng có tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn (hai xe cách nhau 100m) khi tham gia giao thông trên đường cao tốc hay không, đi có đúng làn đường quy định…?.

Nếu người tài xế xe tải không tuân thủ các điều kiện trên và là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Cần khởi tố vụ án để làm rõ

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn thuộc về lỗi của người tài xế lái xe tải. Khi xe phía trước giảm tốc độ, táp vào lề đường theo hiệu lệnh của CSGT thì tài xế xe tải đã không chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và giữ khoảng cách an toàn, do đó mới gây ra vụ tai nạn, lỗi không chỉ thuộc về lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, khi lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe cũng phải chú ý quan sát, đảm bảo không để xảy ra tai nạn. Quá trình dừng xe, nếu nhận thấy không đảm bảo an toàn thì không nên dừng xe.

Theo quan điểm của tôi, cơ quan công an có thể khởi tố hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn cũng như trách nhiệm của cá nhân gây ra vụ tai nạn. Từ đó, xác định được trách nhiệm bồi thường. Người nào gây tai nạn đến đâu thì sẽ phải bồi thường đến đó (bao gồm thiệt hại về người và tài sản) theo quy định của Bộ luật Dân sự.

(Luật sư Nguyễn Văn Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Tư Viễn

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật