Theo thông tin trên Sixth Tone, năm 2022, Tòa án Nhân dân trung cấp số 3 Trùng Khánh yêu cầu một bệnh viện phụ sản ở Trùng Khánh (Trung Quốc) bồi thường cho tài xế họ Chen khoảng 60.000 NDT (khoảng 203 triệu đồng) vì đã chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp.
Được biết, Chen bị phạt 10.000 NDT (gần 34 triệu đồng) do từ chối chia sẻ các bài viết đăng trên tài khoản WeChat của bệnh viện lên tài khoản WeChat cá nhân. Sau đó, người này bị sa thải vì “vi phạm các quy tắc” và “không hoàn thành nhiệm vụ”.
“Nội dung được đăng tải trên WeChat Moments phải là quyết định độc lập của người dùng, người sử dụng lao động không được can thiệp bất hợp pháp”, phán quyết của tòa án lưu ý.
Tài xế bị sa thải vì không chia sẻ các bài viết đăng trên tài khoản WeChat của bệnh viện phụ sản nơi anh làm việc lên tài khoản WeChat cá nhân. Ảnh minh họa: BBC
Sau khi Tòa án Tối cao trùng Khánh chọn đây là trường hợp tham khảo vào ngày 28/4, vụ việc đã thu hút sự chú ý và dấy lên cuộc tranh luận của cư dân mạng vào hôm 8/5 về việc nhân viên bị buộc phải chia sẻ nội dung liên quan đến công việc lên tài khoản mạng xã hội cá nhân của họ.
Trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc, các vụ án mang tính bước ngoặt được các tòa án lựa chọn và công bố là “các vụ án tiêu biểu” nhằm giáo dục người dân tốt hơn, theo Sixth Tone.
“Sếp của tôi yêu cầu quản trị viên kiểm tra xem tôi có đăng nội dung như vậy hàng ngày hay không. Mỗi khi từ chối đăng bài, tôi phải đối mặt với việc bị cắt 50 NDT (gần 170.000 đồng)”, một người dùng cho biết trên Weibo.
Cô cũng cho biết, sếp cô coi các tài khoản mạng xã hội cá nhân như một kênh quảng cáo cho các sản phẩm của công ty.
Một người khác đặt câu hỏi: “Ranh giới giữa công việc và cuộc sống là gì?”.
Đây không phải lần đầu tiên việc công ty ở Trung Quốc yêu cầu nhân viên quảng bá trên trang cá nhân của họ bị chỉ trích. Hồi năm 2022, một nhân viên bán hàng đang trong thời gian thử việc ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) được yêu cầu trả cho công ty hơn 3.000 NDT (khoảng 10,1 triệu đồng).
Công ty trích dẫn một yêu cầu nội bộ cho biết nhân viên phải đăng ít nhất 50 bài đăng liên quan tới công việc mỗi tháng trên mạng xã hội, hoặc trả 50 NDT cho mỗi lần từ chối đăng bài.
Chia sẻ trên tờ Worker’s Daily, nhà bình luận công chúng Hu Xinhong bày tỏ quan điểm rằng, những vụ việc lặp đi lặp lại như vậy xuất phát từ việc các công ty phớt lờ quyền lợi của người lao động.
Phán quyết được đưa ra vào thời điểm mà cả cơ quan quản lý và công chúng đều tìm cách nêu bật những hành động bí mật tương tự ở nơi làm việc, bên cạnh lịch trình “996” gây xôn xao dư luận từ lâu (làm việc từ 9h - 21h, 6 ngày/tuần).
Hồi tháng 4/2023, một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho một nữ nhân viên khi cô yêu cầu công ty trả tiền vì cô phải tiếp tục trao đổi với khách hàng và đồng nghiệp trên WeChat ngoài giờ làm việc. Vụ việc này đã gây ra những cuộc tranh cãi của cư dân mạng về vấn đề “làm thêm giờ vô hình” tại nơi làm việc.
Đinh Kim (Theo Sixth Tone)