Trong phiên điều trần thứ 2, Mark Zuckerberg thú nhận Facebook theo dõi người dùng cả khi không đăng nhập.
Vào đêm 12/4 giờ Việt Nam, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã bước vào phiên điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ. Lần này, ông chủ mạng xã hội Facebook sẽ phải trả lời các câu hỏi chất vấn của những hạ nghị sĩ về các vấn đề xoay quanh vụ bê bối Cambridge Anatalyca.
Trong phiên chất vấn, Hạ nghị sỹ Engel đã đặt câu hỏi rằng ai là người nắm quyền kiểm soát các ứng dụng? Ngoài ra, việc theo dõi trên các thiết bị khác nhau như thế nào?
Đáp lại câu hỏi này, Mark Zuckerberg từ chối đi vào chi tiết và chỉ trả lời rằng, Facebook theo dõi một số thông tin nhất định của người dùng nhằm mục đích bảo mật và quảng cáo.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần thứ hai |
Quả thật Facebook có được dữ liệu của người dùng hầu hết bởi vì do bạn tự chia sẻ nó lên mạng xã hội này. Người dùng có quyền xem xét và quản lý dữ liệu đó, hay xóa đi khi họ muốn. Và nếu bạn xóa đi tài khoản của mình, hầu hết toàn bộ dữ liệu đó sẽ biến mất khỏi hệ thống máy chủ của Facebook trong vòng 90 ngày. Điều này không sai, nhưng chưa đầy đủ và nó càng được minh chứng rõ nét hơn trước những chất vấn của các Nghị sĩ Quốc hội Mỹ.
Một trong những ví dụ điển hình cho điều này là khi Nghị sĩ Ben Luján (D-NM), chất vấn Mark Zuckerberg về việc sử dụng cái mà họ gọi là “shadow profile”, một thuật ngữ đề cập đến việc thu thập dữ liệu từ những người vốn không phải là người dùng Facebook, thứ mà thậm chí ngay cả Mark cũng không biết rõ về nó.
Ông Ben chất vấn việc Facebook thu thập dữ liệu ngay cả những ai không phải là người dùng Facebook, và đặt câu hỏi “những người không có tài khoản Facebook thì họ có thể yêu cầu Facebook ngừng thu thập dữ liệu của họ một cách không tự nguyện như thế không?”
Mark đã trả lời rằng “bất kỳ ai cũng có thể ‘opt out’ khỏi việc thu thập dữ liệu dùng cho quảng cáo, dù họ có sử dụng dịch vụ của Facebook hay không. Tuy nhiên để ngăn chặn mọi người lấy các thông tin công khai, Facebook cần biết khi có ai đó cố gắng truy cập dịch vụ của họ liên tục.”
Từ đó, ông Ben chỉ ra lỗ hổng nghiêm trọng trong tầm nhìn của Mark khi cho phép Facebook thu thập dữ liệu của những người không sử dụng Facebook.
Mark nói rằng mọi người đều có quyền quản lý dữ liệu của họ, nhưng Facebook lại thu thập dữ liệu ngay cả những người không sử dụng Facebook. Và sau đó lại điều hướng những người này để họ đăng ký tài khoản Facebook nhằm thu thập dữ liệu của họ tiếp. Hay nói một cách khác, ngay cả khi bạn không đăng ký tài khoản, thì Facebook vẫn có thể biết được bạn là ai dựa vào danh sách các contact, hình ảnh và những nguồn khác.
Việc Facebook thu thập thông tin của cả những người không sử dụng Facebook làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về quyền hạn của người dùng với dữ liệu của họ như thế nào. Mặc dù Mark liên tục cho rằng Facebook xóa mọi dữ liệu profile của người dùng khi bạn xóa tài khoản, nhưng còn các dữ liệu shadow profile được họ thu thập trước khi bạn lập tài khoản thì sao?
Mark cũng cho rằng người dùng có thể tải dữ liệu Facebook của họ về, nhưng những người không sử dụng Facebook thì rõ ràng họ không hề được truy cập vào những dữ liệu này.
Ngay cả công cụ tải dữ liệu mà Facebook cung cấp cho người dùng cũng không có tất cả những dữ liệu mà Facebook thu thập và sử dụng từ các nguồn khác, chẳng hạn như công cụ phân tích Facebook Pixel của hãng hay thậm chí dữ liệu định vị lấy từ điện thoại của người dùng.
Minh chứng rõ ràng nhất cho cái gọi là shadow profile là dịch vụ People You May Know (giao diện tiếng Việt là Những người bạn có thể biết) của Facebook. Ngay cả khi chưa từng đăng ký Facebook, nhưng bạn vẫn xuất hiện trong danh sách contact của những người đã đăng ký. Khi người dùng kết nối email tài khoản của họ hoặc các dữ liệu nhắn tin với Facebook, rất nhiều người dùng không có tài khoản Facebook sẽ xuất hiện. Thay vì loại bỏ dữ liệu của họ, Facebook vẫn giữ những dữ liệu từ những người không sử dụng Facebook và gắn nó với cái được gọi là shadow profile. Đây là một dạng ngân hàng thông tin đáng tin cậy được để dành đó, và khi bạn có đăng ký tài khoản Facebook, hãng sẽ biết chính xác bạn là ai để gợi ý bạn bè.
Ứng dụng eople You May Know |
Nghị sĩ Kurt Schrader (D-OR) đặt câu hỏi với Mark về việc Facebook vẫn tiếp tục theo dõi người dùng ngay cả khi họ thoát khỏi Facebook. Mark trả lời rằng người dùng có thể quản lý dữ liệu mà hãng sử dụng cho quảng cáo và những thông tin thu thập dựa vào đó. Nhưng ở khía cạnh bảo mật thì có những việc nhất định về cách bạn sử dụng Facebook mà chúng tôi vẫn theo dõi để bảo đảm bạn không lạm dụng hệ thống, thậm chí ngay cả khi bạn đã đăng xuất khỏi mạng xã hội này.
Nghị sĩ Dubbie Dingell (D-MI) ngay cuối phiên điều trần đã chỉ ra Mark dù mang tư cách là CEO nhưng lại không biết một số vấn đề quan trọng như “shadow profile” là gì, không biết bao nhiêu ứng dụng cần kiếm tra, không biết Cambridge Analytica đã bán dữ liệu cho bao nhiêu công ty, thậm chí không biết các loại dữ liệu khác nhau mà Facebook thu thập từ người dùng của hãng. Và ông chỉ ra rằng Facebook thu thập mọi thông tin trên web. Gần như mọi website đều có nút Share hoặc Like của Facebook, nhưng với công cụ Facebook Pixel thì chúng ta thậm chí cũng không hề thấy logo của Facebook khi nó hoạt động ẩn bên trong trang web. Mặt khác, việc bạn có hay không có tài khoản Facebook thì thông qua những công cụ nói trên, hãng vẫn có thể thu thập dữ liệu từ tất cả chúng ta.”
NGUYỄN QUỲNH (t/h)