Ngay cả CEO Facebook cũng không được an toàn trong vụ việc 87 triệu thông tin người dùng bị một công ty dữ liệu có tên Cambridge Analytica lạm dụng.
Trong nhiều tuần nay, Facebook đã phải vật lộn với những hậu quả do một ứng dụng thứ ba gây ra rò rỉ dữ liệu cá nhân của 87 triệu hồ sơ người dùng trên Facebook cho công ty Cambridge Analytica.
Trong phiên thứ hai của buổi điều trần mới đây, nữ nghị sỹ Anna Eshoo đã hỏi người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất hành tinh rất nhiều câu hỏi. Bà mong muốn nhận được câu trả lời “có” hoặc “không” cho đoạn hỏi đáp kéo dài 4 phút của mình.
Khi được hỏi dữ liệu của Mark Zuckerberg có nằm trong số 87 triệu người dùng bị ảnh hưởng không, Zuckerberg đã trả lời “có”, thế nhưng anh không đưa ra thêm bất kì ý kiến nào.
Mark Zuckerberg trong phiên điều trần |
Việc ngay cả một nhà sáng lập giỏi giang về công nghệ như ông chủ Facebook cũng không thể tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình khiến các nghị sĩ thêm nghi ngờ về khả năng người dùng có thể dễ dàng tự bảo vệ thông tin của họ.
"Làm thế nào mà người dùng kiểm soát được dữ liệu của họ khi mà Facebook không kiểm soát được dữ liệu đó?" ông Frank Pallone, dân biểu bang New Jersey đặt câu hỏi mở đầu phiên điều trần như vậy.
Bà Debbie Dingell bày tỏ sự bực bội trước việc ông chủ Facebook liên tục đưa ra những cam kết sẽ trả lời lại các nghị sĩ sau bằng văn bản. Bà nói: "Có một số điều rất rõ ràng trong cuộc trao đổi này. Là CEO, nhưng anh đã không nắm được một số sự việc cơ bản".
Hiện vẫn chưa rõ là liệu có phải chính Zuckerberg đã tải ứng dụng "thisisyourdigitallife" hay liệu dữ liệu của anh bị thu hoạch thông qua một trong những người bạn của anh ta.
Dù gì đi nữa, sự kiện này một lần nữa là một hồi chuông cảnh tỉnh về những mối e ngại trên nền tảng của Facebook.
Facebook đã bắt đầu gửi thông báo cho người dùng trong tuần này nếu như tài khoản của họ có nguy cơ bị rò rỉ. Ngoài ra, người dùng cũng có thể truy cập vào một trang trợ giúp riêng để biết thêm chi tiết.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)