Không khó lý giải sự xúc động của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, bởi Ủy ban Kinh tế cũng vừa hoàn thành một báo cáo theo chủ đề tương tự với nhiều lao tâm khổ tứ, mà ông Giàu có chia sẻ “trước hết đó là sự chưng cất từ hơn 6000 trang báo cáo của các bộ ngành, địa phương”.
Chỉ trong hai ngày 30/9 và 1/10, hai bản báo cáo có tầm cỡ nhất từ trước đến nay đánh giá về tình hình tái cơ cấu nền kinh tế, đã được ra mắt. Báo cáo của Ban Kinh tế TƯ được đưa ra thảo luận tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Ban này ngày 30/9 và báo cáo của Ủy ban Kinh tế, được đưa ra thảo luận tại phiên họp của UBTVQH ngày 1/10.
Với báo cáo của Ban Kinh tế TƯ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Ban Kinh tế TƯ đã chỉ ra kết quả làm được của cả hệ thống và những tác động đến nền kinh tế. Nhưng người đứng đầu Nhà nước cũng lưu ý, phương pháp so sánh đánh giá cần tăng cường tranh biện, xác định đúng vị trí, thế mạnh, điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong tương quan với các nước trong khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc về tái cơ cấu nền kinh tế. |
Không né tránh
Trong quá trình thảo luận về hai bản báo cáo, thấy có cùng nổi lên một vấn đề về trách nhiệm. Thực tế, vấn đề trách nhiệm cụ thể trong thực thi quá trình tái cơ cấu, chắc chắn sẽ được đẩy lên cao trào trong thời gian tới bởi đây đã là mối quan tâm lớn của dư luận. Trong cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội ngày 6/10, cử tri đề nghị: “Quá trình triển khai tái cơ cấu nền kinh tế chậm đã ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Vậy, cần thẳng thắn làm rõ trách nhiệm vì sao quá trình này chậm”.
Trong phiên họp của UBTVQH diễn ra trong tuần rồi, nhiều đại biểu cũng đã thể hiện sự sốt ruột thấy rõ trước câu chuyện trách nhiệm. Như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Tôi cũng như Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đều thấy rằng, chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, câu nặng nhất nói về trách nhiệm, có lẽ đó là “chưa thể hiện quyết tâm cao”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đòi hỏi trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế: “Đại biểu QH muốn nghe vấn đề đầu tiên là trách nhiệm. Trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, Quốc hội, bộ ngành địa phương đến đâu khi quá trình này chậm đi vào cuộc sống”…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói rằng trong bất cứ quá trình vận động nào, trách nhiệm là vấn đề không thể né tránh và có làm rõ được trách nhiệm, thì mới đảm bảo cho quy trình vận động đạt được những mục tiêu cũng như tiến độ đề ra để đi đến thành công. Song, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là một quá trình phức tạp và rất khó khăn, đòi hỏi cần có thời gian để từng bước thực hiện.
Còn Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ, khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm trong tái cơ cấu nền kinh tế, đã nhắc đến bối cảnh trong nhiệm kỳ này, do phải tập trung xử lý, giải quyết các khó khăn và tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước nên kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế, cũng là điều khó tránh.
“Điều quan trọng là chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Hầu hết các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu và ban hành Chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện”, ông Huệ nói.
"Sức nặng" và "sự dịu dàng"
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8 của QH diễn ra trong vòng hai tuần tới, QH sẽ thảo luận về báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế do Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện và sau đó, sẽ ra một Nghị quyết của QH về vấn đề này. Còn báo cáo của Ban Kinh tế TƯ, sau quá trình chuẩn bị công phu với sự tham gia của các chuyên gia, ban cán sự Đảng các bộ, ngành, đang trong quá trình tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện và trình lên Bộ Chính trị.
QH đang thể hiện một nỗ lực cao để tạo ra sức nặng cho Nghị quyết của QH về tái cơ cấu nền kinh tế. Vì thế, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ vẻ nhiều “sốt ruột” về sự “dịu dàng” của báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Kinh tế. Theo Chủ tịch QH, đây là báo cáo giám sát tối cao của QH để chuẩn bị cho việc ra Nghị quyết: “Chúng ta nên bỏ công thức kiểu “QH cơ bản tán thành” đi. Nghị quyết của QH mà cơ bản tán thành thì biết tổ chức thực hiện thế nào? Rồi cứ êm ái, dịu dàng, tăng cường, nỗ lực, thúc đẩy… thì không nên ra Nghị quyết”. Ông Hùng còn nhấn mạnh thêm, “Nghị quyết của Đảng nói mạnh hơn nhiều”.
Sức nặng và sự dịu dàng, nhìn ở hai báo cáo, một của cơ quan Đảng và một của cơ quan QH, cũng có thể dễ nhận ra. Chẳng hạn, trong đánh giá về tổ chức thực hiện, Ban Kinh tế TƯ nói thẳng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình này “bắt nguồn chủ yếu do quá trình thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng còn chậm, thiếu hệ thống và đồng bộ, một số nội dung tái cơ cấu chưa có các đề án nên còn thiếu tầm nhìn dài hạn và lộ trình cụ thể để thực hiện”.
Báo cáo của cơ quan này còn nhận định: “Nhận thức về nội hàm mô hình tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là đối với một số vấn đề quan trọng như: Phương thức, chiến lược, động lực tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng; vấn đề gắn kết giữa cơ cấu lại nền kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng... còn chưa đủ rõ nên việc xây dựng và triển khai các đề án cơ cấu lại nền kinh tế không tránh khỏi lúng túng”
Còn báo cáo của Ủy ban Kinh tế viết: “Về tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu, sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương nhiều lúc chưa nhịp nhàng, đồng bộ, ảnh hưởng đến việc triển khai tái cơ cấu, nhất là việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu”.
Các cung bậc cảm xúc “Chấm điểm” những kết quả đạt được và chưa đạt được của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cả Ban Kinh tế TƯ và Ủy ban Kinh tế của QH đều đã có những sự thể hiện ấn tượng về các cung bậc cảm xúc. Về kết quả chưa đạt được, trong đó, đáng lo nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Xem xét ở khía cạnh “quan điểm tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường được quan tâm nhiều hơn”, Ban Kinh tế TƯ cho rằng “Tốc độ tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ tăng trưởng bình quân 3 năm 2011-2013 đạt 5,64\% thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch thời kỳ 2011-2015 là từ 6,5-7\% và thấp hơn so với mức 7\% của thời kỳ 2006-2010; tăng trưởng dưới mức tiềm năng và chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng theo hướng bền vững”, đồng thời “có dấu hiệu nền kinh tế Việt Nam tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực và thế giới và nguy cơ vướng vào “bẫy thu nhập trung bình”. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế chỉ ra những hệ lụy của việc tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011- 2015 không đạt mục tiêu đề ra: “Điều đó cho thấy những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình mới chưa định hình một cách rõ nét. Vấn đề lớn đặt ra là việc kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến duy trì, phát triển doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế” Ủy ban Kinh tế còn thể hiện nỗi lo lắng “việc đạt được mục tiêu “bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào cuối kế hoạch 5 năm 2011- 2015 là hết sức khó khăn, kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020” Cùng chia sẻ với nỗi lo của Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế TƯ đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, để tổ chức triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án cơ cấu lại đối với các ngành, lĩnh vực trọng tâm. Hai nỗi ưu tư Nếu như Ban Kinh tế TƯ nặng mối ưu tư về việc chưa có sự nhận thức sâu sắc và thống nhất cao về mô hình tăng trưởng mới, nhất là về các động lực cho tăng trưởng, thì với Ủy ban Kinh tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phân tích về mối ưu tư của mình, theo Ban Kinh tế TƯ, mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng; Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn về dài hạn. Nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ. Năng suất lao động của nước ta tuy có cải thiện (năm 2013 tăng 10,1\% so với năm 2010 và dự kiến tăng khoảng 19,7\% trong giai đoạn 2011-2015) nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, hiện đang kém từ 2-15 lần so với các nước ASEAN. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 3.000 USD/người/năm ở thời điểm 2013, chỉ bằng 1/16 của Singapore, bằng ½ chung trong khối ASEAN. Trong giai đoạn 2011-2013, mặc dù TFP có được cải thiện song trong 5,64\% tăng trưởng GDP thì mới chỉ có khoảng 1,8\% được tạo ra bởi đóng góp của TFP… Còn Ủy ban Kinh tế thì dành riêng nội dung để tập trung nhấn mạnh về tốc độ tăng trưởng. Dẫn lại đánh giá của Bộ Kế hoạch đầu tư “tốc độ tăng trưởng GDP đang có xu hướng phục hồi trở lại trong 3 năm qua”, Ủy ban Kinh tế cho rằng nhìn kết quả tăng trưởng của năm 2011 là 6,24\%; năm 2012 là 5,25\%; năm 2013 là 5,42\% và dự báo năm 2014 có thể tốc độ tăng hơn ở mức không lớn thì chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định xu hướng phục hồi trở lại. |