Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Tọa đàm.
Tốc độ đô thị hoá đang diễn ra sôi động ở khắp các vùng miền trong cả nước, đã tác động mạnh mẽ tới các dòng di cư, dòng di từ cư nông thôn đến thành thị; di cư từ thành thị đến thành thị, di cư từ nông thôn đến nông thôn, đặc biệt là di cư từ các tỉnh miền núi Tây Bắc đến Tây Nguyên. Sự di chuyển này đưa đến thuận lợi: đóng góp, bổ sung một phần nhu cầu lao động cho sản xuất của địa phương nơi đến, đồng thời góp phần giảm tình trạng thất nghiệp tại địa phương (nơi đi), nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống... Bên cạnh đó, còn giúp nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch vụ nông thôn.
Song, di cư tự phát đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Di cư tự phát không chỉ gây khó khăn cho nơi đến mà còn cả nơi đi nhiều hệ lụy về mặt kinh tế và xã hội, quốc phòng an ninh. Ở nơi đi là tình trạng thiếu lao động trong các mùa vụ sản xuất, nơi đến là lấn chiếm đất rừng, bao chiếm, chuyển nhượng mua bán đất trái phép,... gây khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch sản xuất; đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; an ninh trật tự trên địa bàn. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để tạo điều kiện ổn định đời sống cho những người di cư tự phát. Tuy nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hài hòa giữa các vùng miền cần có các giải pháp bố trí lại dân cư, sắp xếp lại lao động một cách chủ động và hợp lý để phát triển theo hướng phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận:
Một là, đánh giá thực trạng dân di cư tự phát, những mặt tích cực và hệ lụy trong phát triển cả nơi đi và nơi đến.
Hai là, đánh giá công tác quản lý nhà nước về di dân tự phát và kết quả triển khai các chương trình, dự án sắp xếp ổn định dân cư, những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai và nguyên nhân của những hạn chế yếu kém này?
Ba là, thảo luận, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài quản lý tình trạng di dân tự phát như: hoàn thiện thể chế pháp luật triển khai Hiến pháp 2013, công tác quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới; công tác đào tạo lao động và chuyển đổi lao động; các chương trình định canh định cư, sắp xếp ổn định dân cư; công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, quản lý rừng gắn với sắp xếp lại nông lâm trường; công tác quản lý địa bàn, củng cố chính quyền cơ sở gắn với công tác tuyên truyền giáo dục và nhân rộng mô hình tốt…Đặc biệt là những việc nảy sinh do di dân tự phát mà chính quyền cần giải quyết ngay để đảm bảo trật tự xã hội, quyền lợi của người dân.
Kết thúc tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn Ban Kinh tế Trung ương có báo cáo kết quả tọa đàm với những kiến nghị toàn diện với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp quản lý di cư tự phát, bố trí lại dân cư bảo đảm phát triển bền vững. “Đó cũng là những công việc quan trọng, cấp bách Nhà nước cần phải làm để thực hiện tốt vai trò Nhà nước kiến tạo phát triển và Nhà nước quản lý phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.