Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đưa giải pháp phát triển Miền Trung

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Ngày 15/8, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế

(ĐSPL) - Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Điều phối vùng Duyên hải Miền Trung, Thời báo Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 15/8, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gợi mở một số giải pháp tăng cường liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội vùng các tỉnh duyên hải Miền Trung.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.

Hành lang thương mại quan trọng

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vùng duyên hải miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Vùng duyên hải miền Trung nằm ở trung độ trên các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên cũng như Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar trong khu vực ASEAN; là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương. Với lợi thế địa - kinh tế này, vùng duyên hải miền Trung có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trên địa bàn của vùng có 4 di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế, Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn) được UNESCO công nhận; có nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và các khu bảo tồn thiên nhiên là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, chủ trương và chính sách phát triển vùng duyên hải miền Trung của Đảng và Nhà nước đã được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 10 năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng đã dần dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhất là tại vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, thích ứng dần với biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Từng bước hình thành các khu du lịch có chất lượng cao ven biển, khu du lịch sinh thái.

Vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp

Nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn, thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế. Nhận thức được điều đó, Tổ điều phối Vùng và sau đó là Ban điều phối Vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung được hình thành vào năm 2012 đã có nhiều nỗ lực để tăng cường thực hiện các nội dung về liên kết Vùng như: Cùng nghiên cứu để phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng vùng; Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; Thiết lập không gian kinh tế du lịch Vùng thống nhất; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; Hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng; Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và trong phát triển, quảng bá văn hóa toàn Vùng; Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng; Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội, đầu tư trên địa bàn; Hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mặc dù có rất nhiều cố gắng và nỗ lực nhưng do nước ta còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng nên việc liên kết vùng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trong cả nước nói chung cũng như Vùng kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung còn rất hạn chế.

Cần đẩy nhanh cơ cấu lại các vùng kinh tế

Gợi mở một số giải pháp nhằm phát huy sức mạnh Miền Trung trong giai đoạn mới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế theo định hướng và giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị liên kết vùng nhất là đối với những sản phẩm chủ lực. Quy định cụ thể và thực thi cơ chế điều phối vùng kinh tế.

Thứ hai, Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung. Xây dựng thể chế kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới.

Thứ ba, Phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tầu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; hình thành trung tâm hợp tác phát triển kinh tế tại một số cửa khẩu. 

Thứ tư, Hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Đổi mới hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, chú trọng nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng.

Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương, Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những kiến nghị, đề xuất của Diễn đàn không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội Vùng duyên hải miền Trung mà còn góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong phạm vi cả nước.

Tin nổi bật