Sự thay đổi nhanh công nghê nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi thời bị thải bỏ trở thành rác điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. “Nếu không có cách xử lý thích hợp, chúng sẽ gây hại cho con người và môi trường”- Bà Cythia Indirani- Trung tâm vùng Đông Nam Á về Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới đối với các chất thải độc hại và việc thải bỏ chúng.
Tăng chứ không có giảm
Có thể dễ dàng nhận thấy các loại vật dụng điện và điện tử được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống của mỗi người. Cá nhân nào cũng sử dụng ít nhất 1 điện thoại, 1 máy tính, bên cạnh đó còn có ipad, laptop… Trong mỗi gia đình đều có TV, tủ lạnh, máy giặt, và các vật dụng điện và điện tử khác. Những vật dụng này không phải có thể sử dụng suốt cả đời mà thường người ta sẽ thay thế khi chúng bị hư hỏng, hoặc do nhu cầu thị hiếu muốn thay đổi sản phẩm cho hợp thời. Do đó, chính sự phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm điện tử mới nhất là các yếu tố làm rút ngắn vòng đời của sản phẩm và làm gia tăng núi rác thái.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ rõ rác thải điện tử là loại rác thải cực kỳ độc hại, có nguy cơ “hủy diệt” môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo UNEP, trong chất thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý như vàng, bạc, paddadium ,đồng và các chất hữu cơ cao phân tử…trong đó còn chứa chì và thủy ngân- chất độc tiềm ản nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, và các bệnh về hô hấp..vv. Số liệu thống kê của Tổ cức Lao động thế giới ( ILO ) cho thấy, mỗi năm có hơn 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra. Ngoài ra, theo số liệu của Tổ chức Y Tế thế giới ( WHO) hơn 9\% số trường hợp ung thư phổi bắt nguồn từ hóa chất và có hơn 800.000 trẻ em bị nhiễm độc hóa chất.
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan về kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam hồi những năm 2000 chỉ là 900 triệu USD, nhưng chỉ sau gần một thập kỷ con số này đã tăng lên tới 3 tỷ 931 triệu USD (năm 2009). Không dừng lại ở đó, nhóm mặt hàng nhập khẩu này luôn ở vị trí 1 trong 2 nhóm mặt hàng nhập khẩu đứng đầu tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Năm 2013 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 17,7 tỷ USD tăng 16,5\% so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Tổng cục Hải quan tạm thống kê, cả nước nhập khẩu máy vi tính và các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đã là 5,53 tỷ USD. Tương ứng với sự gia tăng nhập khẩu của lượng sản phẩm điện và điện tử là sự gia tăng của lượng sảm phẩm bị thải bỏ.
Thực trạng tái chế ở Việt Nam
Dòng chảy của rác thải điện tử đi từ các nước phát triển sang các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam, qua cả con đường hợp pháp lẫn phi pháp cộng với rác thải điện tử nội sinh đã khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn để giải quyết vấn đề thu gom và tái chế.
Những rác thải điện tử đang đi theo hướng tái sử dụng, nếu không sử dụng được nữa mới đưa ra bãi chôn lấp. Tái sử dụng là sửa sang lại, lấy được gì còn xài được thì gỡ ra. Dạo quanh một vòng khu chợ điện máy cũ Nhật Tảo, quận 10, TP.HCM, mới thấy thật sự là không có chuyện vứt đi các loại điện thoại, máy tính hay các máy điện tử hư hỏng ra đường như rác, mà thường được người sử dụng bán lại cho các tiệm sửa chữa hay những người mua ve chai. Các sản phẩm thải ra này sau đó được người ta rã ra để thu gom linh kiện, hoặc lấy kim loại quý và vỏ máy đem bán lại cho các cơ sở tái chế.
Tuy nhiên, điều đáng nói là công nghệ tái chế tại các cơ sở này còn quá lạc hậu. Sau khi các kim loại và linh kiện điện tử còn dùng được được bóc tách và đem bán hoặc sửa chữa, phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới, vốn là các sản phẩm đơn giản như chai lọ, túi nylon với số lượng còn hạn chế.
Đường còn dài
Chiến lược quản lý chất thải rắn đến năm 2025 được Chính Phủ ban hành vào cuối năm 2009 với các mục tiêu tái chế, phân loại tại hộ gia đình bên cạnh việc thành lập các quỹ tái chế chất thải rắn. Tuy vậy, theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, cán bộ môi trường Văn phòng UBND TP.HCM dù được thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay mọi hoạt động vẫn chỉ dừng lại ở hình thức tư vấn, tuyên truyền, hội thảo, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, ngày 09/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Quyết định này quy định về trách nhiệm, quyền lợi, hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com