Nếu như kính râm không có tác dụng ngăn tia tử ngoại, thì đeo kính còn hại mắt hơn là không đeo.
Việc sắm cho mình những chiếc kính râm để bảo vệ mắt trong những ngày hè nắng nóng hiện được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, những kính râm rẻ, mẫu mã đẹp, hợp thời trang bán trôi nổi trên thị trường gần như không được thông qua kiểm định. Người tiêu dùng sử dụng mà không hay biết về tác hại của chúng.
Không phải cứ kính màu là kính râm
Trước đây kính râm chủ yếu là màu nâu sẫm và màu xanh sẫm, nhưng những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện kính râm với đủ các màu sắc, có một số người cho rằng, kính màu tức là kính râm, nên thi nhau mua về đeo. Thực ra, không phải là như vậy.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, mỗi loại kính có một chức năng khác nhau và nên sử dụng trong những trường hợp khác nhau: kính đi biển, kính lái xe, kính chơi gôn, kính câu cá… Vì vậy người sử dụng cần lựa chọn đúng loại kính mình cần để tối đa hóa tác dụng của chúng.
Theo ThS Trần Hoài Long, khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM, kính mát thời trang bán trôi nổi thường được nhuộm màu nên chỉ có thể lọc khoảng 75\% đến 85\% ánh nắng mặt trời vào mắt, không lọc được tia cực tím (UV). Muốn lọc được tia này, kính mát phải được ngâm vào một hóa chất đặc biệt.
Do không lọc được tia cực tím nên đeo kính mát ra đường nắng lâu dài có thể gây tổn thương cho da và gây viêm giác mạc, đục thủy tinh thể, có thể là tác nhân gây xuất hiện và kích thích mộng thịt phát triển. Ngoài ra, tia cực tím còn có thể gây thoái hóa hoàng điểm (tổn thương võng mạc).
Lưu ý khi chọn kính râm
Vì mắt thường sẽ không phân biệt được chất lượng của kính, nên khi mua kính người tiêu dùng nên đến những nơi tin cậy để đo khám và lắp ráp kính. Đồng thời nên yêu cầu đo mức độ chống tia UV của kính bằng máy truyền quang phổ.
Người bị cận thị muốn đeo kính râm cận phải đến bác sĩ nhãn khoa kiểm tra xem mắt thế nào. Ngoài ra những người bị chứng viêm màng mắt, mắt đỏ (viêm kết mạc) viêm góc mắt, mắt khô, viêm tuyến nước mắt... thì phải điều trị cho khỏi mới có thể dùng loại kính này.
Những trường hợp không nên đeo kính râm gồm có: Nhân viên thường xuyên tiếp xúc với vi sinh vật dễ dẫn đến những bệnh viêm về giác mạc, những người dí ứng với các loại kính…
Ngoài ra, khi sử dụng các loại kính râm hay kính râm cận chúng ta phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tránh vi khuẩn có thể xâm nhập vào mắt.
Nên chọn loại kính có hình dáng đối nghịch với khuôn mặt, tròng lớn bao bọc quanh mắt, để có thể ngăn cản ánh mặt trời tốt hơn.
Theo Gia đình & Xã hội
Xem thêm video:
[mecloud]VZdWYARAF3[/mecloud]