Báo Tuổi trẻ dẫn lời bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bột sắn dây là loại tinh bột thơm ngon, giàu dưỡng chất, được chiết xuất từ củ cây sắn dây (Radix Puerariae). Đây là một món quà tuyệt vời mà Mẹ thiên nhiên ban tặng cho chúng ta.
Trong bột sắn dây chứa khoảng 60% là tinh bột protein, 40% còn lại là một số hoạt chất thuộc nhóm isoflavonoid: puerarin, puerosid A, puerosid B và hợp chất nhóm olean triterpene, trong đó:
Puerarin: Chỉ tồn tại duy nhất trong bột sắn dây, có tác dụng chữa đau đầu, ù tai,...
Isoflavonoid: Tăng sắc tố da, trị nám, chống oxy hóa...
Daidzein: Hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn, chữa mụn nhọt, rôm sảy..., có khả năng kháng các tế bào ung thư,...
Theo y học hiện đại, tinh bột sắn dây thường dùng để pha trực tiếp với nước hoặc kết hợp với một vài vị thuốc đông y giúp cho cơ thể: Hạ nhiệt; cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim;
Làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu; Hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim; Ức chế ngưng tập tiểu cầu; giải độc, bảo hộ tế bào gan; Chống oxy hóa, lão hóa và ung thư; Dự phòng tích cực tình trạng nhiễm vi rút đường hô hấp; Nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu oxy; Tăng cường khả năng ghi nhớ.
Không chỉ vậy, tinh bột sắn dây hiện nay còn được rất nhiều chị em sử dụng để làm đẹp cho da trắng trẻo và mịn màng.
Theo y học cổ truyền, tinh bột sắn dây vị ngọt, tính mát, vào được các kinh tỳ, vị và phế, có công dụng tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề vị khí, thường được dùng để chữa sỏi thời kỳ đầu, chứng biểu nhiệt, tiêu chảy, gáy đau vai cứng, đau trước trán, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng đau…
Bài thuốc chữa bệnh của bột sắn dây
Theo VTC News, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng đã chỉ ra một số bài thuốc chữa bệnh từ bột sắn dây như sau:
Trị cảm mạo, sốt, cổ gáy cứng đơ, sợ gió, không mồ hôi:
Dùng bột sắn 8g, ma hoàng 5g, quế chi 4g, đại táo 5g, thược dược 4g, sinh khương 5g, cam thảo 4g; cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trị cảm mạo, sốt phiền khát cứng đau gáy:
Dùng sài hồ 4g, bột sắn 8 - 12g, khương hoạt, bạch chỉ, hoàng cầm, bạch thược mỗi thứ 4 - 8g, cam thảo 2g, cát cánh 4 - 8g, thạch cao 16g, gừng tươi 3 lát, đại táo 2 quả sắc nước uống.
Trẻ nhỏ cảm phong nhiệt, nôn mửa, đau đầu, kinh sợ khóc thét:
Dùng bột sắn 30g giã nát, gạo tẻ 50g. Bột sắn sắc với 2 bát nước lớn, đun cạn còn 1 bát, chắt lấy nước nấu cháo với gạo, thêm chút gừng sống và mật ong, cho trẻ ăn trong ngày.
Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu, khát nước, có mồ hôi, nóng ruột, nôn ọe:
Dùng bột sắn dây 12g hòa đường uống; hoặc dùng bột sắn 20g, đậu ván (sao)12g, giã dập, sắc nước uống trong ngày.
Trị cảm nắng đau đầu (khô mũi, tiểu vàng):
Lấy bột sắn dây hòa trong ly nước pha thêm chanh, đường uống. Ngày uống 3 - 4 lần.
Cảm sốt nóng, nôn ọe, khát nước, nhức đầu:
Dùng bột sắn, sài hồ, chi tử, mỗi thứ 15 - 20g, sắc nước uống trong ngày.
Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước:
Dùng bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.
Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc:
Dùng củ sắn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500 ml nước cốt mỗi thứ, hòa đều, uống dần.
Ngộ độc rượu:
Dùng hoa sắn dây 30g, hoàng liên 4g, hoạt thạch 30g (thủy phi), bột cam thảo 15g; tán thành bột mịn, trộn với nước, hoàn thành viên, mỗi lần uống 3g, chiêu thuốc bằng nước mát.
Thủy phi là thêm nước vào vị thuốc cùng tán, hoặc tán xong cho vào nước khuấy lên để bột thuốc lắng xuống; thường áp dụng khi bào chế hoạt thạch, chu sa, thanh đại. Hoặc lấy hoa sắn dây khô 20 - 40g nấu lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày.
Thanh nhiệt và bồi bổ dùng chè bông cau:
Lấy đậu xanh cà vỡ, ngâm trong nước có chút muối ăn chừng 2 giờ, cho vào nồi khi nước đang sôi cho đến khi đậu xanh mềm, lấy bột sắn dây đã hòa tan trong nước vừa đổ vừa khuấy đều tay và cho tiếp đường cùng hương liệu vào để sôi thêm 2 phút nữa đến khi thấy chè trắng đục sánh là được.
Bạn hãy mang ra ăn ngày 1 lần. Nó sẽ giúp ra mồ hôi, hạ nhiệt (dùng trong bệnh ngoại cảm, sốt cao, đau gáy, sưng gáy)
Bạn chọn một trong các cách dưới:
- Giải độc (làm cho sởi mọc hoàn toàn) dùng phương bột sắn thang, gồm: bột sắn 8g, thược dược 4g, ma hoàng 5g, sinh khương 5g, quế chi 4g, cam thảo 4g, đại táo 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Sinh tân chỉ khát dùng trong bệnh sốt cao kèm theo khát nhiều, bụng cồn cào, đại tiện bí kết, đau thượng vị dùng củ sắn dây tươi 40g, mạch môn 40g, cỏ nhọ nồi 40g, lá tre 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị viêm họng, viêm thanh quản cấp:
Lấy dây cây sắn dây đốt tồn tính, tán bột uống chiêu với nước trắng. Ngày 2 lần.
Chữa kiết lỵ do nhiệt:
Lấy một ít bột sắn dây cùng đường hòa tan trong nước, sau cho lên bếp khuấy chín đặc, mang ra ăn. Ngày 1 - 2 lần. Hay bột sắn 30g, rau má 20g, giã nát vắt nước cốt uống trong ngày.
Chữa chứng nhiệt tả (viêm ruột cấp, lị trực khuẩn):
Dùng bột sắn hoàng cầm hoàng liên thang: bột sắn 12 - 20g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 8g, cam thảo 4g sắc nước uống.
Trị ngực nóng, thổ huyết:
Lấy củ sắn dây tươi giã nát vắt lấy nước cốt chừng 500ml chia ra uống 2 - 3 lần.
Dùng không đúng dễ nguy hiểm
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh để uống bột sắn dây hiệu quả tốt nhất, trước tiên phải biết chọn mua tinh bột sắn dây ta (loại giống của Việt Nam, hay gọi là sắn dây ta, tuy trồng tốn diện tích và năng suất thấp) hơn là mua bột sắn dây giống Ấn Độ và Trung Quốc.
Cách phân biệt bằng mắt thường: Nếu là tinh bột sắn dây ta lọc kỹ màu trắng tinh như ngà, cho miếng nhỏ vào lưỡi ngậm thì tan hết, có cảm giác mát lạnh (phản ứng thu nhiệt). Các mảnh vỡ của tinh bột sắc cạnh, mùi thơm đặc trưng của tinh bột sắn. Khi pha với nước lạnh, uống hết mà trong cốc không còn lại vẩn, bụi...
Còn sắn dây giống khác hoặc tinh bột pha trộn với các loại bột khác thì các mảnh vỡ cạnh không còn sắc cạnh mà tròn giống viên sỏi cuội. Sắn dây rất tốt cho cơ thể, nhưng theo bác sĩ Toàn, khi dùng bột sắn dây cần chú ý:
Dù cơ thể bạn có khỏe mạnh như thế nào, hay thích uống thì cũng không nên lạm dụng. Tốt nhất là 1 cốc pha 2-3 thìa ăn phở bột sắn dây. Một tuần dùng khoảng 3-4 lần.
Theo như Đông y, hàn tính của sắn dây khá mạnh, do vậy trẻ em không nên sử dụng quá nhiều để tránh tình trạng lạnh bụng, tiêu chảy.
Phụ nữ khi mang thai nếu có cảm giác mệt mỏi, cơ thể cảm thấy lạnh thì không nên sử dụng, vì tính hàn sẽ khiến tình trạng cơ thể trở nên khó chịu hơn.
Nếu cảm thấy nóng trong người, táo bón, mụn nhọt, rôm sảy thì nước sắn dây có tác dụng rất tốt đối với cơ thể, nhanh hơn cả các hóa chất nhân tạo, giúp giải quyết tận gốc của bệnh.
Không nên sử dụng bột sắn dây cho phụ nữ bị động thai, vì có thể gây nên tình trạng sẩy thai.
Không dùng trong trường hợp bị hàn thấp mức độ nặng. Khi cơ thể đang lạnh thì không nên uống nước sắn dây. Những người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích, viêm gan mạn tính, viêm tụy mạn tính… thuộc thể hư hàn thì cũng cần thận trọng khi dùng.
Người bị huyết áp thấp, cơ thể suy nhược không nên sử dụng bột sắn dây vào buổi sáng do đây là thời điểm lượng hormone trong máu khá thấp.
Không uống sắn dây khi đói hoặc vào ban đêm vì sẽ khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động liên tục, có thể ảnh hưởng không tốt cho dạ dày. Thời điểm tốt nhất để uống bột sắn dây là sau bữa trưa hoặc tối khoảng 30 - 60 phút.
Thùy Dung (T/h)